Lãi suất liên ngân hàng về vùng thấp kỷ lục chỉ 0,15%/năm
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về vùng quanh 0,15%/năm, là mức thấp nhất trong vòng hơn 2,5 năm, cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang rất dư thừa.
Lãi suất liên ngân hàng về vùng thấp nhất từ đầu năm 2021
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn chủ chốt là qua đêm áp dụng tại ngày 17/7 giảm mạnh chỉ còn 0,15%/năm. Lãi suất kỳ hạn này đã dao động trong vùng 0,14 – 0,16%/năm kể từ phiên ngày 13/7 tới nay. Đây là vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Đối với kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm về mức lần lượt 0,32%/năm và 0,46%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 1,41%/năm.
Các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng lần lượt là 4,74%/năm; 6,84%/năm và 7,93%/năm.
Việc lãi suất liên ngân hàng giảm sâu cho thấy thanh khoản hệ thống liên ngân hàng đang rất dồi dào.
Trước đó, trong tuần từ 10-14/7, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng vẫn không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ thanh khoản này.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau 2 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, kỳ hạn qua đêm đã giảm về vùng dưới 1%/năm kể từ cuối tháng 6.
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng liên tục giảm thời gian gần đây. Lãi suất bình quân 12 tháng của nhóm các ngân hàng quốc doanh đang ở mức 6,3%; nhóm NHTM cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%, nhóm NHTM khác là 7,18%.
Theo thống kê mới nhất của Chứng khoán KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35%. KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại).
Đối với lãi suất cho vay, các chuyên gia dự báo sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn; đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo ước tính sơ bộ, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhiệt 1% so với thời điểm cuối năm 2022.
Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng dự báo sẽ giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%.
Nhiều yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm lãi suất
Tính đến nay, sau 4 lần giảm liên tiếp, lãi suất điều hành đã giảm tổng cộng từ 0,5 - 2 điểm % tùy từng loại lãi suất, qua đó đã xóa bỏ gần như toàn bộ mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ còn 4%/năm, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%.
Hai khoản cho vay này hầu như các ngân hàng thương mại thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của NHNN vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại cần để hưởng nguồn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo lãnh đạo NHNN, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dư thừa do tốc độ tín dụng tăng trưởng chậm. Số liệu của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 6 mới đạt 4,73%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia KBSV, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan hỗ trợ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất. Trong đó, với ưu tiên hàng đầu là duy trì tăng trưởng kinh tế, NHNN có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành nếu không có biến động bất thường về tỷ giá.
Bên cạnh đó, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt cũng sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm.
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục trong khi NHNN kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15%; chi phí vốn các ngân hàng được kéo giảm (do lãi suất huy động giảm) cũng sẽ thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất...
Các chuyên gia KBSV cho rằng xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất là tương đối rõ nét trong 6 tháng cuối năm. Dù vậy, mức giảm thực tế sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp, rủi ro từ thị trường bất động sản cũng như vấn đề về thị trường TPDN… qua đó tác động đến rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Nếu rủi ro này vẫn duy trì ở mức cao, các ngân hàng sẽ yêu cầu lãi vay cao để bù đắp chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, qua đó cản trở nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN. Dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng các yếu tố này sẽ dần được cải thiện trong 2 quý cuối năm.