Lãi suất ngân hàng vẫn còn cảnh 'một mình một chợ'

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chỉ 9 - 10% và cần xem xét hạ thêm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân lên tới 14%. 'Phải xem xét cắt giảm, không thể một mình một chợ', lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,57%

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 25.4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ về việc hỗ trợ tích cực tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất linh hoạt. “Các công cụ gì, dư địa gần như đã bung ra hết và được sử dụng tối đa”, Phó Thống đốc nêu rõ.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bảo đảm thanh khoản tốt, “không có chuyện thiếu vốn, thiếu room tín dụng”. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay có 2 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra. Đối với bất động sản, “chưa bao giờ siết tín dụng” mà chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro một số lĩnh vực bất động sản, còn vẫn thực hiện cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhà ở xã hội. Đặc biệt, ngân hàng đã thực hiện giãn hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ khi vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đây được cho là cứu cánh với cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, đến ngày 20.4, mới đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và chỉ bằng 1/3 so với mức 6,46% của cùng kỳ năm 2022. “Hầu hết ngân hàng có mức độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, chỉ quanh 2%, thậm chí là 1%”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - một trong những đơn vị tăng trưởng tín dụng dưới 2%, nguyên nhân không phải do cơ chế, chính sách mà do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức hấp thụ của nền kinh tế bị suy giảm.

Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng Vietinbank Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, bản chất tăng trưởng tín dụng thấp bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hiện, nhiều doanh nghiệp “dù có đưa tiền cũng không có cơ hội làm ăn”, nhất là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng. Bên cạnh đó, mặc dù ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song người dân vẫn e ngại, không dám vay, vì họ không thể biết thu nhập trong tương lai sẽ thế nào trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. “Tất cả các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì hệ thống ngân hàng thương mại đều tập trung nguồn lực thực hiện”.

Còn theo đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tín dụng tăng trưởng thấp một phần bởi nhu cầu vay vốn mua nhà giảm. Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ngày 20.4, Bộ Xây dựng mới ban hành hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi, giao UBND cấp tỉnh công bố danh mục dự án. Từ đó, ngân hàng mới tiếp cận, thu thập hồ sơ vay vốn và trển khai cho vay nên không thể nhanh được, chưa kể thủ tục pháp lý các dự án, nhất là dự án bất động sản tương đối chậm nên cần thời gian triển khai. Hiện các ngân hàng rất muốn cho vay song dự án thiếu về mặt pháp lý nên khó triển khai.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú bổ sung, vụ Ngân hàng SCB khiến các ngân hàng khác “giật mình” thấy cần phải kiểm soát dòng tiền, thanh khoản tốt hơn, xem xét lại chất lượng tín dụng tốt hơn để bảo đảm an toàn. Chính sự chặt chẽ, thận trọng này cũng làm cho các khoản vay bị chậm lại, khó khăn hơn.

Cùng với tăng trưởng tín dụng chậm lại, Phó Thống đốc cho rằng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay lên tới 13 - 14%, thậm chí trên 14%. Kể cả trong điều kiện bình thường, nền kinh tế không phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức thì đây vẫn là mức lãi suất cao đối với doanh nghiệp!

Tăng tín dụng phải đi đôi kiểm soát chất lượng

Nhấn mạnh tinh thần ngân hàng phải chia sẻ cùng doanh nghiệp, cùng nền kinh tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các cấp lãnh đạo trong hệ thống phải tập trung vào công tác tín dụng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, vì tín dụng chiếm khoảng 70% tổng thu nhập của ngân hàng. Quan trọng hơn, tập trung vào tín dụng cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. “Tập trung vào huy động, cho vay, khối lượng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng”.

Cùng với đó, các ngân hàng phải xem xét hạ lãi suất. “Giao cho ngân hàng thẩm quyền quyết định lãi suất nhưng không có nghĩa một mình một chợ. Hoạt động ngân hàng là có điều kiện, không phải muốn cho vay bao nhiêu là cho vay mà phải chấp nhận cuộc chơi chung với mặt bằng lãi suất chung. Tất nhiên, tùy quy mô, năng lực tài chính của từng ngân hàng, nhưng không thể măt bằng chung là 9 - 10% mà mình vống lãi suất cho vay lên 13 - 14%”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh cần phải tập trung vào các dự án lớn, dự án trọng điểm của các địa phương.

Trong bối cảnh cả khách hàng lẫn ngân hàng đều khó khăn, các ngân hàng cần chủ động đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương các giải pháp để tháo gỡ chung. Đặc biệt, phải hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cả về mặt thủ tục, tiêu thụ sản phẩm, dòng tiền…

Về các nhiệm vụ cụ thể, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, hệ thống ngân hàng cần tập trung thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17.1.2023; hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, trong đó có một số phân khúc bất động sản; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn nhưng không hạ chuẩn; cắt bỏ quy trình, thủ tục phiền hà, phức tạp. Cùng với đó, triển khai nhanh chóng, hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, với điều kiện đơn giản để người dân tiếp cận và khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia; tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/lai-suat-ngan-hang-van-con-canh-mot-minh-mot-cho-i325756/