Lãi suất sẽ về mức xấp xỉ trước đại dịch Covid-19?
Sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ra đã hạ nhưng tốc độ giảm khá chậm. Trong bối cảnh này, 'điểm rơi' của lãi suất sẽ có thể vào khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, khi đó mặt bằng lãi suất được kỳ vọng có thể sẽ về mức tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19.
Lãi suất cho vay giảm chậm
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn thể hiện quan điểm nhất quán, đặt ra yêu cầu giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm.
Theo đó, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu đã giảm tổng cộng 1,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm
2%/năm. Với các hình thức khác, lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm tổng cộng 0,5 - 1,25%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm
1,5%/năm mức. Đồng thời, NHNN cho biết vẫn tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn kỳ vọng lãi suất cần phải giảm hơn nữa mới đủ động lực kích thích các hoạt động kinh doanh và nền kinh tế. Giải thích về việc lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, sau khi NHNN thực hiện các đợt giảm lãi suất thì tác dụng của chính sách đến thị trường cũng cần có độ trễ nhất định.
Dự báo “điểm rơi” của lãi suất
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam sẽ chậm lại, tăng 1,5% so với cùng kỳ (so với mức 3,3% trong quý I). Kết quả này có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được ngân hàng đưa trước đó; tuy nhiên tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4% trong quý III (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, NHNN hiện đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. “Mặc dù NHNN đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu” - ông Tim Leelahaphan đưa ra dự báo.
Với những dự báo này, cùng với một số quan điểm của lãnh đạo NHNN vừa đưa ra gần đây, lãi suất có cơ hội giảm sâu vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm và trên 1 năm đến thời điểm đáo hạn. Bởi lẽ, lãnh đạo NHNN cho biết, việc NHNN thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay một phần do nhiều khoản tiền gửi của khách hàng chưa đáo hạn nên các ngân hàng vẫn phải trả chi phí đầu vào cao. Trong khi đó, thời điểm “đỉnh cao” của cuộc đưa lãi suất năm ngoái rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12, sau khi NHNN thực hiện 2 đợt tăng lại suất điều hành, kèm theo “sự cố” xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ cuối năm ngoái, vào tháng tháng 10/2022, một số cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cụ thể là có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu đã khiến người dân ồ ạt đi rút tiền khỏi SCB. Tại thời điểm đó, SCB đã phải liên tục tăng lãi suất để giữ chân khách hàng, khởi đầu cho một đợt chạy đua lãi suất kéo dài đến cuối năm 2022. Thời điểm đó, lãi suất huy động có lúc đã lên tới trên 11% và cuộc đua lãi suất chỉ hạ nhiệt sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phải họp và đồng thuận cam kết giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, nhiều khoản tiền gửi đã huy động lãi suất cao thời điểm đó vẫn tiếp tục ảnh hưởng thời điểm hiện tại và thị trường vẫn tiếp tục phải chờ các khoản tiền gửi dần đáo hạn để lãi suất trở về quỹ đạo như trước thời điểm cuộc đua lãi suất diễn ra.
Một số giải pháp điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.