Lãi suất tăng trở lại: Gửi kỳ hạn nào lãi lên tới 6-6,1%/năm?
Một loạt ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động trong tháng 4, đồng nghĩa với việc lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn vượt lên ngưỡng 5%/năm. Ngay cả một ngân hàng trong nhóm Big 4 cũng đã niêm yết lãi suất 5%/năm.
Hai ngân hàng dẫn đầu về lãi suất huy động cao
15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động trong tháng 4 khiến mức lãi suất từ 5%/năm trở lên bỗng áp đảo ở các kỳ hạn dài.
Nếu như tháng trước, mức lãi suất 6%/năm chỉ duy nhất Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) duy trì cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng thì đến nay, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã nâng lãi suất của kỳ hạn này lên 6,1%/năm, mức cao nhất hiện nay với mọi kỳ hạn.
OceanBank và OCB cũng là hai ngân hàng đang dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng, lần lượt là 6% và 5,8%/năm.
Ngoài OceanBank và OCB, hai ngân hàng VietBank và Saigonbank cũng đang duy trì lãi suất 5,8% cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng.
Ngay cả một ngân hàng trong nhóm Big 4 là VietinBank cũng đã đưa mức lãi suất 5%/năm trở lại biểu lãi suất cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, OceanBank và HDBank là hai ngân hàng dẫn đầu khi niêm yết lãi suất 5,9%/năm. Kế đến là các ngân hàng: VietBank (5,8%/năm); Saigonbank, LPBank (5,6%/năm); KienLong Bank, Nam A Bank, NCB, BaoViet Bank (5,5%/năm); OCB (5,4%/năm); PVCombank (5,3%/năm); Bac A Bank, BVBank (5,25%/năm); SHB (5,2%/năm); TPBank, Eximbank, Viet A Bank (5,1%/năm).
OceanBank cũng là nhà băng dẫn đầu thị trường về lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng, lên đến 5,4%/năm. Tiếp theo là VietBank và KienLong Bank (5,2%/năm); Nam A Bank (5,1%/năm); HDBank, Saigonbank, LPBank, NCB (5%/năm).
Đã 3 tháng qua kỳ hạn tiền gửi 9 tháng vắng bóng mức lãi suất 5%/năm, thế nhưng sau khi KienLong Bank tăng lãi suất vào ngày 26/4, mức lãi suất 5% đã xuất hiện trở lại.
KienLong Bank cũng là ngân hàng duy nhất niêm yết lãi suất 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 9 tháng.
Ngân hàng nào có "lãi suất đặc biệt" điều kiện 'dễ thở' nhất?
Nếu gửi số tiền lớn, từ vài trăm tỷ trở lên, người gửi tiền có thể lựa chọn gửi tại các ngân hàng MSB, Dong A Bank, ACB, HDBank, PVCombank,... để được hưởng “lãi suất đặc biệt”.
Tuy nhiên, Ngân hàng ABBank vừa chính thức bỏ niêm yết “lãi suất đặc biệt” trên biểu lãi suất huy động tại quầy. Trước đó, nhà băng này duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,65%/năm (mức cao nhất thị trường), áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng với số tiền tiết kiệm tối thiểu 1.500 tỷ đồng.
Ngân hàng PVCombank cũng áp dụng “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tại HDBank, “lãi suất đặc biệt” đang là 7,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là tài khoản tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức lãi suất 8,1% của kỳ hạn 13 tháng đã tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tuần trước.
Dong A Bank cũng đang áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm. So với các ngân hàng khác, điều kiện để được hưởng quy chế đặc biệt của Dong A Bank được cho là “dễ thở” nhất.
“Lãi suất đặc biệt” tại MSB đang là 7%/năm (giảm 0,5 điểm phần trăm so với đầu tháng 4), áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và cũng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
“Lãi suất đặc biệt” tại ACB hiện là 5,6%/năm khi gửi tiền vào kỳ hạn 13 tháng (lãi suất thông thường là 4,4%/năm).
So với các ngân hàng trên, “lãi suất đặc biệt” tại ACB cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, điều kiện được ACB đưa ra là phải có tiền gửi từ 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, SeABank, ACB đang áp dụng chính sách lãi suất bậc thang tùy theo số tiền gửi, hoặc mặc định cộng thêm lãi suất cho khách hàng khi gửi từ 100 triệu đồng.