Lãi suất thấp nhất về dưới 4%, gửi ngân hàng nào được lợi?
Ngày 31/7, thêm nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, điều này đã làm cho mặt bằng lãi suất các ngân hàng thương mại tiếp tục đi xuống và đang ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Liên tục giảm lãi suất
Cụ thể, Ngân hàng MB giảm mạnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,45 điểm phần trăm, còn 4,1% - 4,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,25 điểm phần trăm, còn 4,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 4 - 5 tháng còn 4,4%/năm.
Với tiền gửi thuộc các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, MB giảm đồng loạt 0,4 điểm phần trăm; lãi suất kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 6,1%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng còn 6,2%/năm; kỳ hạn 12 - 13 tháng còn 6,5%/năm; kỳ hạn 15 tháng giảm còn 6,6%/năm; kỳ hạn 18 tháng còn 6,7%/năm; kỳ hạn 24 - 36 tháng còn 6,8%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Techcombank giảm lãi suất huy động lần thứ 2 trong tháng 7. Trong lần điều chỉnh này, Techcombank giảm 0,05 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng, còn 4,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho mọi loại hình tiền gửi cũng như mức tiền gửi.
Đối với tiền gửi online, Techcombank điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng đồng loạt về mức 6,45%/năm đối với số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng. Đối với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất áp dụng đồng loạt là 6,55%/năm. Đối với tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, lãi suất là 6,65%/năm.
Ngân hàng VietBank cũng tiếp tục giảm lãi suất trong ngày đầu tuần, mức giảm 0,1 điểm phần trăm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây là lần thứ 3 VietBank giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7.
Theo biểu lãi suất huy động online, kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng là 7,3%/năm, kỳ hạn 12 - 13 tháng là 7,4%/năm, kỳ hạn 15 tháng 7,5%/năm, kỳ hạn 18 - 36 tháng 7,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, VietBank giữ nguyên mức 4,75%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Sacombank lần thứ 2 giảm lãi suất huy động, mức giảm 0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng và 7 tháng giảm còn lần lượt 6,1% và 6,2%/năm; kỳ hạn 8 và 9 tháng còn lần lượt 7,3% và 7,4%n/năm.
Lãi suất các kỳ hạn 10 và 11 tháng còn 6,5% và 6,55%/năm. Trong khi kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất 6,6%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 18 và 24 tháng giảm về 6,75% và 6,8%/năm. Hiện, lãi suất huy động cao nhất tại Sacombank là kỳ hạn 36 tháng nhưng cũng chỉ còn duy trì mức 6,85%/năm.
Trước đó, trong tháng 7, một loạt các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất gồm: TPBank, ABBank, Saigonbank, SHB, NamA Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB, BacA Bank, BVBank, VietBank, OceanBank, MSB, SeABank, GPBank, PVCombank, NCB, HDBank, BaoViet Bank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, KienLong Bank, Techcombank, PG Bank, MB và CBBank.
Trong đó, SeABank, BacA Bank, GPBank, TPBank, OCB, Eximbank, ABBank, KienLong Bank, Sacombank, Techcombank và VPBank đã hai lần giảm lãi suất. Riêng NamA Bank, VietBank và Eximbank đã 3 lần và MSB đã 4 lần giảm lãi suất huy động trong tháng 7.
Gửi tiết kiệm ngân hàng nào có lợi?
Như vậy, hiện nay, ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất là Vietinbank. Cụ thể, lãi suất 1 tháng của Vietinbank là 3,3%/năm, lãi suất 3 tháng là 4,1%, lãi suất 6 và 9 tháng còn 5%; từ 12 tháng trở lên là 6,3%.
Lý giải cho lãi suất huy động của Ngân hàng Vietinbank thấp nhất là do trong nửa đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, lên mức kỷ lục 25.424 tỷ đồng, chiếm gần 73% tổng thu nhập hoạt động. Điều này chủ yếu do tăng trưởng thu nhập lãi thuần, đóng góp chính để thúc đẩy lợi nhuận của VietinBank.
Phân tích cấu trúc thu nhập lãi thuần, thu từ lãi và các nguồn thu tương tự tăng 41,7%, lên gần 66.877 tỷ đồng, trong khi số tiền lãi phải trả cho các khoản tiền gửi và chi phí tương tự là hơn 41.453 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chi phí vốn của VietinBank tăng mạnh do vẫn phải trả lãi suất cao cho các khoản tiền gửi huy động từ cuối năm 2022. Dự kiến áp lực chi phí vốn sẽ giảm dần trong vài quý tiếp theo khi các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn và được thay thế bằng các khoản tiền gửi có lãi suất thấp hơn.
Trong khi đó, ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là OceanBank và CBBank. Hai ngân hàng này nếu gửi kỳ hạn từ 18 tháng trở lên sẽ có mức lãi suất 7,8%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, CBBank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,7%; tiếp đến là VietABank là 7,6%, NCB là 7,5%, VietBank 7,4%, BacABank 7,3%. Ở kỳ hạn 9 tháng, CBBank, VietABank, NCB, VietBank, BacABank, ABBank… có mức lãi suất cao nhất và lần lượt là 7,5%, 7,4%, 7,3%, 7,25%, 7,2%...
Theo dự báo của CTCK VnDirect, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ hạ về mức 6,5 - 6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do: Nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào 2 quý cuối năm 2023...
Vì vậy, các chuyên gia tài chính khuyến nghị, nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi và chưa có kế hoạch sử dụng trong ngắn hạn, kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên là hợp lý và có lợi nhất. Tuy nhiên, nếu cần phải huy động vốn nhanh và gấp, kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống là thích hợp, tùy vào nhu cầu lựa chọn.
Trước tình hình lãi suất đang có xu hướng giảm và ngày càng cạnh tranh, các chuyên gia khuyến nghị nên gửi tiết kiệm dài hạn để mang lợi ích cao hơn. Ngoài ra, để gửi tiết kiệm sinh lãi nhiều nhất, khách hàng nên chia tiền gửi tiết kiệm thành nhiều tài khoản khác nhau. Mỗi tài khoản có thể chọn mức tiền gửi phù hợp để có thể nhận lãi suất ưu đãi nhất của từng gói gửi. Đây được xem là phương án an toàn nếu chẳng may người gửi có nhu cầu sử dụng tiền.