Lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng: Vẫn chưa hấp dẫn người dân

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 29 ngân hàng (NH) thương mại đặt chi nhánh hoạt động kinh doanh. Thời gian gần đây, lãi suất huy động của các NH có xu hướng tăng dần. Theo quy luật thì khi lãi suất huy động tăng, người dân sẽ ưu tiên lựa chọn kênh gửi tiền tiết kiệm vào NH với mong muốn sinh lời. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền gửi ở nhóm khách hàng cá nhân vào các tổ chức tín dụng thời gian qua hầu như không tăng đáng kể. Kênh đầu tư tiết kiệm vẫn chưa 'hút' được dòng tiền của người dân...

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Chi nhánh Thái Nguyên.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Chi nhánh Thái Nguyên.

Nhịp tăng lãi suất tiền gửi NH bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối tháng 3-2024 và diễn ra liên tục từ thời điểm đó đến nay. Riêng trong nửa đầu tháng 8 (tính đến ngày 21-8), thị trường ghi nhận có 13 NH tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các NH duy trì ở mức từ 1,9-4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng trong khoảng 2,9-5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3,7-6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trong khoảng 3,9-6,1%/năm…

Đối với người dân, việc các NH liên tục tăng lãi suất huy động vào thời điểm này sẽ giúp dòng tiền họ đầu tư gửi tiết kiệm sẽ an toàn và sinh lời. Song trên thực tế, đến thời điểm hiện nay, việc tăng lãi suất của các NH chưa tác động nhiều đến người dân.

Anh Nguyễn Văn Cương, ở tổ 22, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi có một khoản tiền tiết kiệm cá nhân. Tôi cũng quan tâm đến việc sinh lời để phục vụ các nhu cầu sau này. Qua theo dõi kênh gửi tiền tiết kiệm vào NH, tôi thấy lãi suất tuy có tăng nhưng không đáng kể nên chưa hấp dẫn, do đó tôi vẫn chọn kênh đầu tư khác.

Có cùng quan điểm như trên, chị Phạm Thị Huyền, ở tổ 10, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Tuy lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các NH đã thoát đáy song vẫn ở mức thấp. Tôi đang nghiên cứu kỹ các phương án đầu tư và nhiều khả năng sẽ đầu tư vào bất động sản, bởi thị trường này hiện đã có tín hiệu hồi phục.

Chị Trần Thị Hoài, Giám đốc dịch vụ NH TMCP Quân đội (MB) Chi nhánh Thái Nguyên, thông tin: Lãi suất huy động gần đây có tăng nhưng thực chất chỉ tăng trên nền vùng đáy rất thấp từ giai đoạn đầu năm 2024, nên chưa đủ tác động đến người dân để họ ưu tiên lựa chọn kênh đầu tư gửi tiền tiết kiệm.

Đại diện một số NH khác lại cho rằng, bối cảnh tăng lãi suất giai đoạn này khác nhiều so với thời kỳ cuối năm 2022. Đó là giai đoạn diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, với lãi suất huy động của nhiều NH chạm ngưỡng 11,5%/năm, chưa kể nhiều NH còn đưa ra các hình thức khuyến mại, tặng quà để tăng sức hút đối với người gửi tiền.

Trong khi đó, bối cảnh lãi suất tăng trong hơn 4 tháng qua có đặc điểm khác là các NH mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất nhưng mỗi lần chỉ có mức tăng rất nhẹ, biên độ dao động từ 0,2-0,8%...

Do việc tăng lãi suất huy động chưa hấp dẫn được nhiều người dân nên hiện nay các NH đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về nội dung, tiện ích của các sản phẩm huy động tiền gửi; giao chỉ tiêu huy động vốn cho các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc; vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của NH; nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán.

Các NH cũng cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hướng đến từng đối tượng khách hàng với các khoản tiền gửi tiết kiệm từ giá trị thấp đến giá trị cao để khách hàng lựa chọn... Từ đó góp phần tăng nguồn vốn huy động.

Từ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Nhà máy Cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô Vân Đạo (ở phường Lương Sơn, TP. Sông Công) hiện tạo việc làm cho trên 200 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

Từ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Nhà máy Cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô Vân Đạo (ở phường Lương Sơn, TP. Sông Công) hiện tạo việc làm cho trên 200 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả, tính từ đầu năm đến ngày 31-7, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 113.112 tỷ đồng, tăng 5,63% so với đầu năm và tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước. Vốn huy động tăng giúp các NH có thêm nguồn vốn để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cũng tính đến ngày 31-7, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 105.040 tỷ đồng, tăng 9,31% so với đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Theo dự báo, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục đà đi lên trong những tháng cuối năm nay. Để bảo đảm thanh khoản cho hệ thống NH, đại diện NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hình ảnh, xây dựng thương hiệu NH để tạo niềm tin, từ đó gia tăng nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến nhân dân về các sản phẩm, dịch vụ của NH và hình thức, chính sách huy động vốn, thu hút tiền gửi; thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng…

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/lai-suat-tien-gui-ngan-hang-tang-van-chua-hap-dan-nguoi-dan-1a71b02/