Lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt
Sau khi lập đỉnh vào cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm đã hạ nhiệt và liên tục giảm trong mấy ngày gần đây. Người gửi tiền thay vì được mặc cả lãi suất như trước, đã phải đôn đáo đi tìm những phòng giao dịch có lãi suất cao để gửi tiền.
Theo số liệu khảo sát từ bảng niêm yết lãi suất của các ngân hàng, trong hai ngày đầu tháng 3/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của khối ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước tiếp tục được giữ ổn định ở mặt bằng thấp như tháng trước đó; còn lãi suất huy động tại khối NHTM cổ phần giảm khá mạnh so với cùng kỳ tháng 2/2023, với mức giảm khoảng 0,7%. Mức lãi suất bình quân cao nhất là 9,5%/năm chỉ còn ở một số ít ngân hàng.
Ở khối NHTM cổ phần, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng. Ví như: Techcombank đã điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,5%/tùy từng kỳ hạn. VIB có mức giảm tương đối mạnh ở các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,2 - 0,7%, trong đó: kỳ hạn 6,9 tháng đều giảm 0,7% xuống cùng mức lãi suất 8,0%; kỳ hạn 12, 24 tháng giảm 0,2% xuống cùng mức lãi suất là 8,6%/năm. Saigonbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 0,3 - 0,6%.
Lãi suất huy động giảm mạnh, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tìm tới kênh gửi tiết kiệm như một nơi trú ẩn an toàn sau những biến động trên thị trường chứng khoán, bất động sản, hay vàng, coin… Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tăng gần 84.000 tỷ đồng so với cuối tháng liền trước, lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp, tiền gửi ròng của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng dương, tức tiền gửi vào nhiều hơn khối lượng rút ra trong tháng.
Nếu so với đầu năm 2022, tổng tiền gửi của người dân đã tăng 8,38%, tương đương tăng 444.100 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, người dân đem hơn 1.300 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng. Tính chung, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 126.938 tỷ đồng so với tháng 10. So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống tăng 5,5%, tương đương tăng hơn 607.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là cho hết quý I/2023. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 8%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) kiểm soát dưới 4% trong năm 2022, trong khi lãi suất huy động có ngân hàng lên tới trên 9%/năm, người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương.
Trong phần bình luận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings cho rằng "nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9-10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi cách đơn giản nhất là người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư".
Vì thế, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cũng cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Nửa cuối năm 2023, khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định hơn với vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc trở lại, giúp thị trường sôi động hơn.
Cùng chung nhận định, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán, bất động sản chưa thể có sự khởi sắc rõ ràng và "nốt trầm" tiếp tục được kéo dài. Do đó, tiết kiệm vẫn sẽ là "hầm trú ẩn" an toàn của nhà đầu tư trong năm 2023. Tuy nhiên ông Hiếu cũng lưu ý, lãi suất cao chỉ là điều kiện cần. Đối với người dân, điều kiện đủ để họ lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng còn là sự an toàn và các lợi ích gia tăng khác.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/lai-suat-tiet-kiem-ha-nhiet-i685443/