Lại tái diễn cảnh xe máy ngang nhiên đi vào đường cấm, cướp đường ô tô
Xe máy vẫn tiếp tục đi vào đường cấm - các tuyến đường vành đai gây cản trở giao thông toàn tuyến và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Video xe máy ngang nhiên đi vào đường cấm, chiếm đường vành đai trên cao của ô tô:
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống trong liên tiếp 2 ngày 3 và 4/10, tình trạng xe máy di chuyển trên đường vành đai 2 và đường vành đai 3 (đường dành riêng cho xe ô tô) vẫn tiếp diễn mặc cho lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý.
Theo đó, vào các khung giờ cao điểm mỗi buổi sáng/chiều, nhiều người điều khiển xe máy có tâm lý muốn đi nhanh, tránh tắc đường đã ngang nhiên di chuyển trên các tuyến đường vành đai. Hình ảnh người đi xe máy len lỏi giữa dòng xe ô tô trên tuyến đường cấm đã khiến nhiều tài xế bức xúc. Với đặc điểm nhỏ gọn, xe máy liên tục luồn lách, thậm chí chen chúc, lấn đường đi của ô tô.
Được biết, đường vành đai 2 trên cao được thiết kế với 4 làn xe chạy ở hai chiều. Tốc độ lưu thông tối đa 80 km/h, đoạn cầu nhánh 60 km/h. Trong khi đó đường vành đai 3 cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc đô thị. Cả 2 đường vành đai 2 và 3 đều là đường chỉ dành cho ô tô nên việc các xe máy đi lên đường rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đáng chú ý, mặc dù không nhiều trường hợp xe máy di chuyển trên đường cấm như đường vành đai 2 nhưng tại khu vực đường vành đai 3 thuộc địa phận phường Hạ Đình, Thanh Xuân lại xuất hiện trường hợp các tài xế xe ôm tập trung thành các nhóm nhỏ để đón khách, nhận hàng hóa.
Nhận được phản ánh của PV về tình trạng trên, Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 7 cho biết đơn vị sẽ cử tổ công tác đến hiện trường để xác minh, xử lý vi phạm (nếu có).
Hình ảnh xe máy ngang nhiên di chuyển trên đường vành đai bất chấp biển cấm:
Nhiều người cho rằng để ngăn chặn tình trạng xe máy cướp đường ô tô trên các tuyến vành đai, lực lượng chức năng cần bố trí lực lượng tại các lối lên - xuống để vừa kết hợp phân luồng giao thông, vừa ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ đầu.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi vào khu vực cấm hoặc đường có biển báo cấm xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Ngoài ra, đối với hành vi này còn có hình phạt bổ sung là bị tước giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.
Trong khi đó, người điển khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng.
Xem thêm video được quan tâm: