Lái xe sang truy sát, cán chết người: Lỗi cố ý hay do bị kích động?
Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Phạm Văn Nam (43 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về tội 'Giết người' vì lái xe Mercedes truy sát nhóm người đánh mình khiến một nạn nhân tử vong.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Hành vi sử dụng xe ô tô Mercedes chạy nhiều vòng để đuổi theo nạn nhân rồi đâm nạn nhân tử vong có dấu hiệu của tội "Giết người" theo điều 123 Bộ Luật hình sự (BLHS). Nếu cố ý sử dụng các phương tiện giao thông để gây ra các vụ tai nạn nhằm sát hại người khác thì đây là hành vi giết người.
Một số ý kiến luật sư cho rằng: Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi, làm rõ nguyên nhân sự việc; đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện trên để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu Phạm Văn Nam có động cơ mục đích giết người, nhận thức được hành vi của mình nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện đâm vào người đàn ông dẫn đến nạn nhân tử vong, sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi khi đang say rượu hoặc đang bị ảo giác bởi sử dụng trái phép chất ma túy thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi giết người.
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Tổng Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển, sự việc lái xe GLC 300 cán chết người xảy ra trước quán nhậu tại Bình Thuận được coi là hành vi giết người được thực hiện với lỗi cố ý (người phạm tội nhận thức rõ hành vi lái xe đâm vào nạn nhân là nguy hiểm có thể dẫn đến chết người, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
Tuy nhiên luật sư Lê Hồng Hiển cũng cho rằng, hành vi giết người này phạm vào tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS hay tội “Giết người” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 125 BLHS là điều cần phải làm rõ bởi mức hình phạt của 2 tội danh này khác nhau rất nhiều. “Đối với tội ‘Giết người’ có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Còn tội ‘Giết người’ trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam (phạm tội đối với 2 người trở lên)”, ông Lê Hồng Hiển cho biết.
Trong trường hợp lái xe bị khởi tố về tội “Giết người” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì lái xe sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như: Đầu thú, nạn nhân cũng là người có lỗi. Nếu thành khẩn khai báo vào bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân thì đây cũng là 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS.
Theo ý kiến một số luật sư, nếu trong trường hợp, giữa nạn nhân và hung thủ không quen biết, mâu thuẫn từ trước, chỉ vì chút xích mích nhỏ trên đường mà dẫn tới hành vi lái xe đâm chết người thì có thể xử lý với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Có tính chất côn đồ”. Theo đó, người vi phạm rất có thể sẽ phải đối diện với mức án tù từ 07 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tử hình. Trong trường hợp, Cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được hung thủ đã lái xe vòng đi, vòng lại rất nhiều lần nhằm cố ý đâm chết nạn nhân đến cùng thì hành vi này còn có thể phải nhận thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục triệu tập những người liên quan để lấy lời khai, làm rõ; đồng thời đã đưa bị can cùng người bạn ngồi trên ô tô đi giám định thương tích. Sau khi có kết quả giám định thương tích, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nhóm thanh niên (trong đó có nạn nhân) đã đánh bị can Nam và người bạn trước đó. Đối với các đối tượng chửi, đuổi đánh, ném đồ vào xe của bị can Phạm Văn Nam có thể sẽ bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134, tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 BLHS với mức hình phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù (nếu giám định thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên) và tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Trước đó, ông Phạm Văn Nam đi cùng nhóm bạn tới quán nhậu ở phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Khoảng 0h15 ngày 12/5, nhóm này rời quán, di chuyển tới khu vực bờ kè Phạm Văn Đồng, thành phố Phan Thiết, để nhậu tiếp thì suýt va chạm giao thông với một xe máy chạy phía trước.
Do chưa va chạm, Phạm Văn Nam lái ô tô đi tiếp tới quán nhậu thì bị một nhóm người đi xe máy đuổi theo, lao vào đánh tới tấp khi những người này vừa xuống xe. Ông Phạm Văn Nam sau khi thoát ra đã lên xe, lái chiếc Mercedes chạy nhiều vòng trước quán để truy sát những người đánh mình. Trong lúc truy đuổi, ông Hà Xuân Hải (43 tuổi, ở thành phố Phan Thiết) dùng một chiếc bàn inox ném lên đầu ôtô rồi định bỏ chạy nhưng trượt chân ngã. Sau cú tông của ô tô, ông Hải tử vong tại chỗ.
Gây án xong, ông Phạm Văn Nam lái xe chạy thẳng vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đến 13 giờ ngày 12/5, người này đến Cơ quan cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Thuận, đầu thú và khai nhận toàn bộ sự việc.