Lạm bàn về sự tử tế sau một tuần khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội…
Một tuần khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội đã khiến cho nhiều người dân, trong đó có tôi, dường như mất niềm tin vào sự tử tế…
Sự tử tế ở đâu khi những con người có học hành, có chức vụ đàng hoàng kiên quyết không nói một lời xin lỗi dân, cho dù sự vô trách nhiệm của họ đã khiến hàng triệu người phải ăn những bát cơm, uống những chén nước nấu từ nước nhiễm dầu thải.
Sự tử tế ở đâu khi những chiếc xe đổ trộm dầu thải có hành trình thật đáng ngờ và có chủ đích, thay vì đổ vụng trộm như các hành vi vô ý thức thường thấy trước đó. Sự tử tế ở đâu, khi người dân đang khủng hoảng vì cơn khát nước sạch chưa kịp vui mừng vì động thái hỗ trợ kịp thời của chính quyền, lại phải tức giận khi biết thứ nước sạch mà mình được hỗ trợ đến từ những chiếc xe chuyên để nước tưới cây cáu bẩn, rêu phong, nên thứ được gọi là “nước sạch” lại có mùi tanh, cặn bẩn…
Nhưng dù vậy ở cuộc đời này phía cuối đường hầm bao giờ cũng có ánh sáng. Sự tử tế không vì thế mà mất đi, thay vào đó nó vẫn tồn tại ở những câu chuyện, những con người bình dị nhất để chứng tỏ một điều rằng: thái độ sống đẹp, tấm lòng tử tế không đến từ bằng cấp, học hàm, học vị, vị trí công việc… mà đến từ những tấm lòng, những cái đầu không vô tri.
Cuốn sổ tạ ơn đời của người cha khốn khổ
“Thanh Minh 1 bao thóc trị giá 400.000 đồng, xe biển số 27 ủng hộ 50.000 đồng, một cô ở viện Nhi 100.000 đồng...”. Đó là những nội dung trong cuốn sổ “tạ ơn đời” của anh Trần Văn Thắng (40 tuổi, dân tộc Tày, Quảng Chính, Hải Hà, Quảng Ninh). Cuốn sổ không may rơi ra trong lúc người bố trẻ luống cuống tìm giấy tờ khi đưa con trai út Trần Thế Đà, 20 tháng tuổi đi khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hoàn cảnh nhà anh Thắng rất khó khăn, là hộ nghèo của xã. Trước đây hai vợ chồng lam lũ nuôi 3 đứa con, trong đó bé gái lớn nhất 14 tuổi, bé gái nhỏ nhất 5 tuổi. Đến 2018, vợ chồng anh tiếp tục sinh thêm bé Đà, tuy nhiên sau sinh con vài tháng, vợ anh đột ngột qua đời, bỏ lại mình anh với 4 con thơ trong căn nhà dột nát.
Không giống những đứa trẻ khác, bé Đà sinh ra đã lem luốc những mảng đen lớn khắp người. Khắp hai bên mặt kéo xuống cổ, lưng, tay, chân đều một màu đen kịt, hiếm lắm mới nhìn thấy một khoảng trắng nhỏ. Cậu bé có lẽ chưa một lần được thấy mặt mình trong gương cũng chưa nhận thức được toàn thân và chân tay mình khác tất cả những người trên thế giới này. May mắn, một nhóm thiện nguyện đã phát hiện ra trường hợp của bé và cùng kêu gọi cộng đồng hỗ trợ để bé có tiền đi chữa bệnh.
Ngày 9/10/2019 vừa qua là lần đầu tiên bé Đà được bố địu xuống Thủ đô, vượt qua quãng đường 350 km với hơn 5 giờ đồng hồ, nhưng không phải đi chơi mà đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám bệnh. Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Khoa Tạo hình và thẩm mỹ cho biết, các vết đen trên khắp người bé Đà chính là các u sắc tố và để loại bỏ, cần phải phẫu thuật.“Khi khám cho bé, tôi thật sự hoang mang vì không biết lấy chất liệu ở đâu để tạo hình cho con khi mà phần da lành còn quá ít ỏi”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Trong suốt thời gian ngồi nghe bác sĩ khám và đưa ra phương án mổ, anh Thắng chỉ trả lời vài câu ngắn ngủi: “Em làm thuê thôi” khi bác sĩ hỏi “Anh làm nghề gì nhỉ?”; “Mẹ nó chết cách đây vài tháng rồi” khi bác sĩ hỏi “Mẹ con đâu?” và lí nhí một câu nữa “Cảm ơn làm cho cháu” khi kết thúc cuộc thăm khám. Nhưng theo lời bác sĩ Dung, nhìn cảnh ông bố dân tộc địu con, nhìn cách anh ấy ôm đứa trẻ, nhìn ánh mắt như muốn khóc khi giữ con cho bác sĩ khám... đủ để bác sĩ cảm nhận sâu sắc được nỗi xót xa, thương con thắt ruột của anh ấy.
Cảm xúc tại phòng khám hôm đó đã vỡ òa khi lục ba lô tìm giấy tờ đưa cho bác sĩ, anh Thắng bất chợt làm rơi một cuốn sổ “ghi ơn”. Cuốn sổ bắt đầu được ghi từ ngày 26/8 với nét chữ nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả nhưng đầy đủ tất cả những ai đã cho gì, tặng gì từ bơ gạo, hộp sữa, bao thóc đến những người không biết tên tuổi với những cái tên chung chung như: “Một cô ở bệnh viện Nhi trung ương” cho 100.000 đồng, “xe biển số 27”, “2 bà ở trung tuổi ở BV sản nhi tỉnh Quảng Ninh”, “xe khách Hà Nội không lấy tiền”...
Thoáng chút đỏ mặt, anh Thắng bối rối lý giải về cuốn sổ: “Cứ ai cho gì là ghi. Để sau này con lớn con biết ơn”. Cuốn sổ “ghi ơn” đã dày gần 10 trang. “Khi ghi cuốn sổ, tôi không tính gì cả, chỉ biết ghi lại cẩn thận để sau này con lớn, con biết ơn và nếu chẳng may mình gặp lại họ khi họ hoạn nạn, có thể hỗ trợ lại phần nào đó” - anh Thắng chia sẻ.
Người cha khốn khổ cũng nói thêm sắp tới, chưa biết bệnh con sẽ chữa được tới đâu nhưng anh hy vọng dù thế nào, con vẫn luôn nghị lực để vượt qua mặc cảm và luôn ghi tạc tấm lòng của mọi người.
“Số tiền quá lớn đối với tôi nhưng tôi không thể không trả lại”
Đây là suy nghĩ của mẹ bệnh nhân L đang điều trị tại M6 - Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong khoảnh khắc quyết định trả lại số tiền hơn 10 triệu đồng cho một bệnh nhân khác.
Chị L đã nằm viện được hai tháng nay, hôm đó chị cùng mẹ ngồi ở ghế chờ ngoài hành lang thì chị nhìn thấy một chiếc ví dưới chân ghế bên cạnh. Chị nhớ có một người đàn ông vừa mệt mỏi ngả lưng ở đó. “Tay cầm chiếc ví, em mở ra và hốt hoảng vì thấy trong đó nhiều tiền quá. Em nhắm mắt không dám nhìn và gập ví lại. Thoáng nghĩ, số tiền này phải hơn chục triệu chứ không thể ít hơn” - chị L kể lại. Chị quay sang mẹ và hai mẹ con quyết định mang lên Phòng Hành chính của bệnh viên để các bác sĩ ở đó tìm và trả lại cho người đánh rơi.
Tại đây, hai mẹ con đã bàn giao lại chiếc ví và số tiền được ghi nhận là 12.225.000 đồng. Trong lúc phòng hành chính thông báo tìm người đánh rơi ví thì chị L lặng lẽ ra hành lang bệnh viện chờ đợi, mong người đánh rơi sớm quay lại tìm, có thể họ cũng có hoàn cảnh khó khăn giống như chị. Quả nhiên, ít phút sau một người đàn ông hớt hải chạy lại phía hàng ghế, tìm kiếm cái gì đó. L đến gần hỏi và báo cho anh biết ví tiền của anh đã được gửi tại phòng hành chính. Quá mừng rỡ và xúc động, anh T (người đánh rơi ví là chồng của một bệnh nhân đang điều trị tại M5 của Viện) rối rít cảm ơn và đến phòng hành chính để nhận lại ví.
Thế nhưng, mọi người vô cùng hoảng hốt khi anh T nói số tiền trong ví của anh phải là 17.225.000 đồng. Vì gia đình khó khăn nên anh T nhớ rõ từng đồng tiền được gom góp để đưa vợ lên Hà Nội điều trị. Hai mẹ con L tỏ ra hết sức bối rối, lo lắng không biết giải thích thế nào, bởi khi nhặt được họ còn không dám đếm số tiền trong ví mà đem ngay về Phòng Hành chính gửi... Thật may, ngay sau đó anh T nhớ ra, sáng nay anh vừa đi ký quỹ cho vợ 5 triệu đồng.
Ghi nhận hành động cao đẹp của bệnh nhân L, Ban lãnh đạo Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi họp tuyên dương và trao tặng quà cho hai mẹ con chị Nguyễn Thị L. Mẹ bệnh nhân L cho biết: “Ngay khi con gái nói nhặt được tiền, tôi đã nghĩ ngay số tiền là mồ hôi nước mắt của ai đó dành dụm để chữa trị cho người thân. Dù gia đình còn nhiều khó khăn và số tiền là quá lớn đối với tôi nhưng tôi vẫn nghĩ không thể không trả cho họ… Sự việc diễn ra đã mấy hôm, đến hôm nay hai mẹ con đi mua cơm mà trong lòng tôi vẫn rạo rực, một cảm xúc rất khó tả - vui sướng vì đã làm được việc tốt cho người khác”.
Đâu là thước đo của một con người?
Mỗi ngày, mở tạp chí hay trang báo ra, chúng ta đều thấy rất nhiều người nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các đầu báo, bìa tạp chí, quảng cáo truyền hình, nếu là đàn ông thì họ có quyền cao chức trọng, có một cuộc sống gia đình mĩ mãn, nếu là phụ nữ thì họ còn luôn biết cách giữ gìn nhan sắc đẹp hơn cả minh tinh, luôn xách theo túi loại mới nhất, khoác lên mình loại trang phục hàng hiệu đắt đỏ….
Những con người đó khiến cho không ít người trong chúng ta ngưỡng mộ xen lẫn ghen tị, để thở than rằng: “Tại sao tôi không có cuộc sống tốt đẹp như thế?”. Nhưng, bạn có biết rằng thực tế cái mà bạn nhìn thấy chỉ là bề ngoài, còn sâu thẳm bên trong những con người đáng mơ ước ấy như thế nào thì làm sao bạn có thể biết được. Biết đâu đằng sau mỗi vầng hào quang lung linh đó là cả một sự trả giá. Và vì thế khi bạn ngưỡng mộ thứ người ta có, thì người ta cũng ngưỡng mộ những thứ bạn đang có.
Thế nên, ở đời, thước đo một con người không chỉ là những gì hiện hữu như tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, bằng cấp…, mà đó còn là thái độ sống đẹp và tấm lòng tử tế. Có rất nhiều người thật sự hồ đồ, sẵn sàng dùng nhiều tiền để nâng cao vị thế của mình, lao tâm khổ tứ để làm quen với những người có quyền cao chức trọng, nhưng lại thường quên mất một đạo lý đơn giản: “Thái độ sống mới là sức mạnh trung tâm”.
Thế nên, mới có một đạo lý rằng:“Thái độ sống hiện tại của bạn, sẽ quyết định con người bạn mười năm sau. Năng lực là đại biểu cho hiện tại, thái độ sống là đại biểu cho tương lai. Sự khác biệt giữa tiến lên hay lùi lại được quyết định bởi thái độ sống của một người”.
Một người sống mà không có sự tử tế, sống mà không có thái độ tích cực thì năng lực sẽ càng ngày càng bị giảm sút hoặc biến chất. Ngược lại, nếu sở hữu những điều đó, dù cho năng lực kém, thì sớm hay muộn rồi cũng sẽ thay đổi…