Lạm bàn về tính trung thực và nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay
Trung thực và nêu gương là những đức tính tốt làm nên nhân cách con người, giúp con người trở nên đáng tin cậy trong các mối quan hệ và thuyết phục người khác. Song, hiện nay, vấn đề thiếu trung thực, gian dối, nịnh bợ… không chỉ diễn ra trong xã hội mà còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng yếu kém này để khoét sâu mâu thuẫn, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Suy ngẫm về tính trung thực
Xét về bản chất, trung thực là tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, sống ngay thẳng với mọi người xung quanh, nói đi đôi với làm, dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm. Đó là những phẩm chất đạo đức quan trọng tạo nên giá trị, nhân cách của một con người chân chính.
Đối với cán bộ, đảng viên, trung thực được nhìn nhận là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Bởi khi dấn thân vào con đường làm cách mạng là họ tự nguyện hiến dâng, sẵn sàng cống hiến và chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân để vì Đảng, vì dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, sự trung thực của cán bộ, đảng viên trước hết là trung thực với chính mình, nghiêm túc với chính mình, rồi trung thực và nghiêm túc với người khác; “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Đây là nguyên tắc thực hành đạo đức, là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động.
Chính vì vậy, Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước”, vì “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh bổn phận của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo là phải “gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”, vì chúng ta là những người trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn dân tộc…
Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (từ ngày 2-10 đến 6-10-2018), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định việc ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Ảnh: TTXVN
Hậu quả của việc thiếu và không trung thực
Là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp chắc hẳn ai cũng biết, cũng hiểu những lời tâm huyết và giản dị nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, thật đáng tiếc và đau lòng, trong thực tế không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức lãnh đạo các cấp đang tự bào mòn nhân cách của mình vì không giữ gìn được đức tính trung thực trong cuộc sống, sinh hoạt và trong công tác, làm trái với những điều mà Bác Hồ đã răn dạy, vi phạm những điều cấm của Đảng và Nhà nước, thậm chí còn có nhiều mưu mô, thủ đoạn nhằm trục lợi cá nhân, phải mất quyền, mất chức, mất uy tín, mất danh dự, mất cả quyền công dân...
Sự thiếu trung thực của cán bộ, đảng viên biểu hiện rất đa dạng, từ khai man lý lịch, kê khai tài sản không đúng, đến chạy chọt, mua bán bằng cấp, chức quyền và những thứ mà họ cần; thậm chí “dối trên, lừa dưới” trong báo cáo kết quả, thành tích đạt được. Nổi cộm của sự thiếu trung thực ở cán bộ, đảng viên là nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, thậm chí nói đúng, làm sai, yêu cầu cấp dưới phải sử dụng thời giờ làm việc hiệu quả; phải tiết kiệm, sử dụng tài chính, tài sản công hiệu quả … nhưng bản thân làm ngược lại chính những điều mình đã nói. Hay, trên diễn đàn, trong hội nghị, trước tập thể, trước cấp trên thì nói khác nhưng khi ra ngoài, với cấp dưới và với nhân dân thì lại nói khác. Trong sinh hoạt, ứng xử bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, nhưng bên trong thì “bằng mặt mà không bằng lòng”, nghi kỵ nhau, sợ người khác hơn mình rồi tìm cách hãm hại. Gặp người này nói như thế này, gặp người khác nói thế khác vì mục đích phục vụ lợi ích cá nhân mình. Cũng vì thiếu trung thực mà một số cán bộ lãnh đạo dối gian với cấp ủy, kéo bè, kéo cánh, tổ chức để “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm “thần tốc”, “đệ tử ruột”, “phe ta”, người thân hay con em “người ơn” vào những chức vụ dễ “sinh lợi, kiếm lộc” khiến bản thân bị kỷ luật và tổ chức, cơ quan, địa phương cũng bị “vạ lây”.
Tuy “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chính những con sâu này đã làm cho nhân dân và cán bộ, đảng viên liêm chính bất bình, giảm sút lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân”. Nó là giặc “nội xâm” trong lòng nội bộ nếu không ngăn chặn, không khắc phục được sẽ rất nguy hại cho dân, cho Đảng. Không chỉ vậy, thiếu trung thực của cán bộ, đảng viên còn là cớ để các thế lực thù địch vin vào để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nguyên nhân của sự giả dối, thiếu và không trung thực
Nguyên nhân của sự giả dối, thiếu trung thực nói trên có nhiều, nhưng chủ yếu là: Một, bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, vụ lợi, làm bất cứ việc gì họ cũng nghĩ lợi ích cho mình trước mà không quan tâm lợi ích của Đảng, của dân, của cơ quan, đơn vị và những người xung quanh; thậm chí sống xa hoa, hưởng thụ, gần dân mà thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Hai, do cấp trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị “mắc bệnh” quan liêu, hám thành tích, cả tin, nể nang, thiếu sâu sát cấp dưới, cơ sở; buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, thậm chí chưa nêu gương tốt trong công tác cũng như sinh hoạt, nói không đi đôi với làm. Đúng như người xưa đã “tổng kết”: “Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn”. Thực tế cũng cho thấy, chừng nào và ở đâu còn sự làm ngơ, cả tin, im lặng thì khi đó và ở đó sự thật còn bị che giấu, sự giả dối, thiếu trung thực còn đất để tồn tại.
Ba, công tác tự phê bình và phê bình, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên tuy được thực hiện thường xuyên, nhưng thiếu nghiêm túc, bị chi phối bởi tâm lý, tình cảm theo kiểu thương - ghét, thích hay không thích; thậm chí sợ “há miệng mắc quai” rồi nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; hoặc lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo, cấp trên với động cơ không trong sáng... Cho nên, ai cũng im lặng hoặc nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình trung thực; ai cũng biết đối phương đang nói dối nhưng lại tỏ ra đồng tình, tin cậy, xem đó là chỗ dựa cho mình. Điều này dẫn đến nhận xét, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm không đúng với bản chất hành vi vi phạm.
Làm thế nào để ngăn chặn và tiêu trừ bệnh giả dối, thiếu và không trung thực?
Để ngăn chặn, khắc phục sự giả dối, thiếu trung thực trong công tác cũng như trong sinh hoạt, thiết nghĩ phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” chính mình. Trước hết phải thành thực với chính mình, với mọi người; không được “nói, hứa mà không làm”. Đảng, Nhà nước cần có thái độ kiên quyết và cơ chế để xử lý nghiêm “bệnh thành tích”, “bệnh chạy chọt” và tệ báo cáo không trung thực trong tổ chức đảng và các cấp chính quyền, đoàn thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần xây dựng lối sống trung thực, đấu tranh với tệ gian dối hiện nay trong tổ chức, trong bộ máy công quyền; phải sống ngay thẳng, tôn trọng sự thật, lẽ phải; dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm; tuyệt đối không luồn cúi hay nịnh nọt, tâng bốc người khác để cầu hưởng lợi lộc, công danh phú quý cho bản thân, gia đình và người thân.
Đặc biệt, trong công tác cán bộ, cần quan tâm nhận diện đức tính trung thực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh chủ chốt các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị. Bởi trong thực tế có loại cán bộ “sống giả”, họ biết ứng xử khéo đến mức “giả như thật”, luôn sử dụng những “lời có cánh” để khen ngợi người này, vuốt ve người kia; biết tận dụng thời cơ để “cung kính cấp trên”, “chiều chuộng cấp dưới”, “vừa lòng đồng nghiệp”. Cái sự sống giả này thường diễn ra ở những thời điểm “nhạy cảm” như chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm hay bổ nhiệm chức vụ mới... Điều này rất nguy hại cho tổ chức, cho Đảng, vì như Bác Hồ đã cảnh tỉnh: “Bác sợ nhất là những kẻ làm bậy mà cứ nói là mình trung thành, những kẻ này nó phá hoại từ trong phá ra”.
Muốn cho tiếng thơm được lưu danh muôn đời, muốn cho kết quả cống hiến được bền vững dài lâu thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những người đang công tác trong các cơ quan Đảng, trong bộ máy công quyền cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Đặc biệt là không để chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy đè bẹp sự thật thà, tính trung thực trong chính con người mình. Nhưng, nếu ai đó lỡ “nhúng chàm” thì thật thà nhận lỗi và kiên quyết sửa lỗi vẫn chưa muộn, vì tục ngữ có câu: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.