Làm bạn với con

Ngày nay, với sự phát triển nhanh của các nền tảng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lớn, trẻ nhỏ cầm chiếc điện thoại trên tay ở bất cứ nơi nào. Biết rằng, sử dụng điện thoại để làm việc, học hành, giải trí nhưng nhiều khi ta vẫn bị cuốn vào điện thoại quá nhiều mà đánh mất thời gian cho bản thân, gia đình và đặc biệt là thời gian làm bạn với con.

Khi mạng xã hội ngày càng phát triển thì những trò chơi dân gian cũng dần bị quên lãng. Những đứa trẻ bị thu hút bởi các kênh giải trí như YouTube, TikTok, Facebook hoặc trò chơi điện tử... Để tuổi thơ con có những kỷ niệm đáng nhớ, tôi học cách làm bạn với con, dành nhiều thời gian cho con hơn, thậm chí chơi với con những trò chơi con nít.

Khi rảnh rỗi, con gái bày đồ chơi bán hàng và tôi là khách. Con lên thực đơn các món cho tôi chọn, con giả bộ nấu nướng để phục vụ. Tôi tấm tắc khen ngon và không quên thanh toán cho cô chủ nhỏ dễ thương. Tôi thích cùng con đọc sách buổi tối. Mỗi người một cuốn sách trên tay và say sưa với sự lựa chọn của mình. Thỉnh thoảng con lại hỏi: “Mẹ ơi, từ này có nghĩa là gì?” để nghe tôi giải thích, hoặc “Mẹ ơi, con đọc hết rồi, mai mình đi mua sách mới nha”... Chỉ như vậy cũng đủ làm tôi vui vì đã lan tỏa được tình yêu đọc sách cho con mà không phải cưỡng cầu hay bắt ép.

Là một người lớn, để có thể hòa mình vào trò chơi con trẻ không phải dễ dàng, nhất là người hơi nghiêm nghị như tôi. Đôi lần con giận dỗi: “Mẹ hoàn toàn không đặt mình vào trò chơi với con”. Đó là lúc tôi vừa tham gia trò chơi với con vừa xem điện thoại. Tôi giật mình nhận ra, khi bản thân toàn tâm toàn ý dành thời gian cho con thì cả tôi và con đều rất vui. Tôi vui vì đã có thể đặt nỗi lo toan qua một bên, con vui vì được cùng mẹ chơi những trò thuở nhỏ mẹ đã từng chơi. Tôi yêu từng khoảnh khắc cùng con trải qua theo năm tháng.

Khi con càng lớn càng có mong muốn thể hiện quan điểm cá nhân, nên đôi lần mẹ con bất đồng quan điểm. Tôi không còn có thể áp đặt suy nghĩ của mình vào con trẻ, như vậy con sẽ phản kháng và không hợp tác với mẹ. Tôi học cách dạy con vừa cứng rắn vừa mềm dẻo. Cũng giống như người lớn, con trẻ cần được lắng nghe và thấu hiểu. Tôi tập lắng nghe, trò chuyện để con có cảm giác gần gũi mà tâm sự với mẹ tất cả lo lắng, suy nghĩ của con trong cuộc sống.

Khi bất đồng quan điểm, tôi chủ động lắng nghe suy nghĩ của con trước, sau đó lắng lại để nhìn nhận rồi mới bày tỏ quan điểm của mình và phân tích cho con hiểu về vấn đề đó. Tôi nghĩ hai mẹ con như hai nhành dây leo, uốn nắn thân mình để ôm lấy nhau, nương qua giông bão cuộc đời, để tình yêu thương luôn bền chặt.

Quả thật làm bạn với con không dễ, nhưng nếu chúng ta đặt tâm tư, tình cảm của mình vào đó thì sẽ không có khoảng cách giữa ba mẹ và con. Tôi từng lo sợ một ngày con lớn và muốn có cuộc sống tự do bên ngoài gia đình. Nhưng đó là sự tất yếu, nên tôi luôn cố gắng dành thời gian cho con thật nhiều, làm chỗ dựa vững chắc để khi con lớn, nếu cuộc đời có nhiều phong ba bão táp, con vẫn dũng cảm bước qua vì luôn có ba mẹ kề bên. Ba mẹ là đấng sinh thành và cũng là người bạn luôn đồng hành bên con.

Tú Uyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/160394/lam-ban-voi-con