Làm bạn với người yêu cũ: Đừng quyết định trước khi hiểu 3 điều lợi và hại này
Trần đời, có lẽ thứ khiến chúng ta khó xử nhất chính là biệt đội mang tên 'người yêu cũ'.
Sau khi chia tay thì phải làm gì? Làm bạn tốt để rồi thi thoảng lại nhớ về chuyện cũ, hay đoạn tuyệt luôn và hướng về phía trước? Thực ra, câu trả lời không hề rõ ràng như trắng với đen, bởi vì đó là cảm xúc của con người, mà đã là cảm xúc thì chẳng bao giờ kiểm soát được.
Mọi cuộc chia tay đều có những lý do riêng không ai giống ai, để kết luận được việc có nên làm bạn với người cũ hay không cũng còn tùy thuộc vào cách mà hai người chia tay. Thế nhưng, dù vì lý do gì đi chăng nữa thì trước khi đi đến quyết định tương lai giữa mình và người yêu cũ, đừng quên xem xét những mặt lợi và bất cập khi giữ mối quan hệ bạn bè này.
Làm bạn với người yêu cũ - cuộc chơi không dành cho những người vương vấn
Càng gặp người cũ, càng khó vượt qua
Do khó kiểm soát cảm xúc, việc cứ quanh quẩn bên người yêu cũ sẽ khiến bạn càng khó vượt qua nỗi đau tan vỡ để bước tiếp. Bạn sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm trong những cảm xúc hỗn độn, nửa muốn bước tiếp, nửa muốn quay lại (mà không được). Sau chia tay, ai cũng cần thời gian để chữa lành vết thương lòng, và việc cứ gặp mặt người cũ sẽ chẳng ích lợi gì cho câu chuyện này.
Làm bạn với người yêu cũ? Đau ở trong tim đây này.
Khi đã là bạn bè, bạn cũng không còn quyền gì để ngăn cản người ta đến với một tình yêu mới. Mà thực tế việc chứng kiến người yêu cũ có người mới không phải là một trải nghiệm dễ chịu gì đâu. Nhất là khi mối mới của họ còn xinh/tốt/giàu/giỏi giang hơn bạn thì quả là đau không thể kể xiết.
Bạn sẽ khó có người mới hơn
Khi kết thúc một cuộc tình thì ai cũng cần thời gian để hàn gắn. Và sau khi hồi phục, bạn cũng sẽ sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Tuy vậy nếu vẫn tiếp tục qua lại với người cũ, bạn sẽ chẳng thể nào kiếm được tình mới đâu. Thành thực mà nói, không chàng trai/cô gái nào muốn nghe tin người mình đang hẹn hò vẫn thi thoảng gặp gỡ tình cũ cả.
Làm bạn với người yêu cũ - món quà không phải ai cũng tìm được
Người cũ có thể đưa ra quan điểm có căn cứ về những điểm tốt và chưa tốt của bạn
Vì đã có một thời gian gắn bó với nhau nên người yêu cũ biết quá rõ về bạn, họ sẽ có những cái nhìn khách quan về ban. Có những điều mà các cặp đôi chỉ có thể nói với nhau khi họ đã không còn hẹn hò nữa. Những điều người yêu cũ không thể nói với bạn khi hai người còn yêu nhau có thể sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân đấy.
Tình bạn với người yêu cũ có thể đem lại lợi ích cho công việc hoặc sở thích
Nếu bạn và người cũ cùng làm việc trong cùng một ngành, nếu trở lại thành bạn bè, cả hai có thể trao đổi với nhau những thông tin hữu ích. Nhiều cặp đôi vẫn giữ liên lạc vì cùng chung ngành nghề, hoặc có chung một sở thích. Chỉ cần mối quan hệ có ích cho cả hai bên thì tình bạn giữa hai người có thể sẽ lâu dài.
Hai người có thể cạnh tranh để cùng phát triển trong cuộc sống
Khi nghe tin đối phương đang sống tốt hoặc đã trưởng thành hơn, bạn cũng có sẽ cảm giác muốn mình không thể thua kém. Thật ra đó lại là một động lực rất tốt. Một số người sẽ thấy có động lực thay đổi khi nghe về những thành công hoặc cải thiện của người yêu cũ. Thậm chí họ cũng có thể được coi là “đối thủ” lành mạnh để cùng nhau phấn đấu trở nên tốt hơn.
Tạm kết
Sẽ có những ngượng ngùng, những tâm trạng rối bời và cả những lần trong lòng dậy sóng, nhưng nếu cả hai bạn xác định rõ mối quan hệ của mình giờ là bạn bè thì cả hai vẫn có thể tiếp tục ở lại trong đời nhau như những người bạn và chỉ đơn giản là người yêu cũ.
Làm bạn hay không làm bạn cũng không phải là vấn đề quá lớn. Nếu làm bạn được thì tốt rồi. Còn nếu không thì cũng đừng nặng lòng quá. Người yêu cũ không thể làm bạn với ta, nhưng họ cũng đâu nhất thiết là kẻ thù của ta. Chuyện gì đã qua hãy để cho nó thật sự trôi qua. Những lỗi lầm nào có thể tha thứ thì hãy tha thứ. Tha thứ xong rồi thì quên đi thôi, và tiếp tục sống cuộc đời của mình.