'Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc'
24/4/2018, tôi cùng Phó Chủ tịch HNBVN Nguyễn Bé có chuyến công tác tại Hải Phòng và được lãnh đạo Báo Hải Phòng tạo điều kiện gặp gỡ, hàn huyên với Nguyên TBT báo này- nhà báo đại thụ Nguyễn Kim Toàn. Cuốn 'Làm báo ở chiến trường- chuyện những người trong cuộc' được anh Toàn tặng hôm đó tôi đọc ngay, đọc nhanh…
Bìa cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc” của nhà báo Kim Toàn.
Tôi đặt cuốn “Làm báo ở chiến trường- chuyện những người trong cuộc” ngay ngắn trên giá sách với suy nghĩ rằng: Trong khốc liệt của chiến tranh, một vài thế hệ nhà báo đã sống, chiến đấu và làm nghề báo như thế đó. Những câu chuyện, tư liệu, nhận định, đánh giá có được từ cuộc chiến mà tác giả đưa vào cuốn sách thật giá trị cho lớp lớp người làm báo… Mấy chục năm làm nghề báo, các giá sách trong nhà tôi cũng đã “tầng tầng, lớp lớp”, thành thử cuốn sách quý của Nhà báo Kim Toàn tặng chả mấy lại nằm hàng trong, chờ dịp… Và, mấy ngày đầu tháng 4 năm 2021 này, Quốc hội, Chính phủ kiện toàn lãnh đạo, có tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là con trai nhà báo Kim Toàn, tôi điện chúc mừng và cũng nhân đó xin phép anh được giới thiệu cuốn sách trong dịp Kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay…
Chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ. Đã có không biết bao nhiêu tư liệu, cuốn sách, công trình nghiên cứu, những bộ phim, những bài báo, tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về những năm tháng hào hùng đó. Và cũng còn đó không ít những chuyện còn sót lại, những góc khuất… Với “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc” của nhà báo Nguyễn Kim Toàn (Cao Kim), phóng viên Báo Giải phóng tại chiến trường Nam bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định kể lại là những mảnh ghép của ký ức chân thực về chiến tranh, về những nhà báo - những người vừa là đồng đội, vừa là đồng nghiệp của ông trong cuộc chiến chống xâm lược Mỹ. Những câu chuyện của những người trong cuộc như nhà báo Cao Kim sẽ giúp chúng ta - thế hệ làm báo thời bình hiểu thêm về giá trị cống hiến của nghề nghiệp với đất nước, với dân tộc để làm việc tốt hơn…
Với độ dày 210 trang khổ 13x20cm, cuốn sách đăng tải 18 câu chuyện, bài viết… kể lại hoặc nhắc nhớ nhiều sự kiện, dấu mốc và hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại là gian khổ và vinh quang của người làm báo chiến trường; câu chuyện về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo - chiến sỹ… Với lối kể chuyện của người làm báo chính luận, được tu từ kỹ lưỡng, 18 câu chuyện, chuyện nào cũng như còn tươi mới, hấp dẫn.
Tôi chỉ xin lược lại 1 chuyện, đó là chuyện: “Nữ nhà báo vượt biển về Nam” thật sự xúc động. Kể rằng, năm đó Báo Hải Phòng có 5 phóng viên là người miền Nam, trong đó có nhà báo Nguyễn Thụy Nga là phu nhân Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn. Năm 1964, hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt", tạm biệt đồng nghiệp Báo Hải Phòng, nhà báo Thụy Nga - người phụ nữ quê Nam bộ duy nhất lúc đó lặng lẽ cùng đoàn công tác bí mật xuống tàu không số về Nam tại bến K15 Đồ Sơn. Tàu nhổ neo vào một đêm mùa thu tháng Tám năm 1964… Ròng rã 2 tháng trời, vượt muôn vàn hiểm nguy, con tàu không số chở đoàn cán bộ, trong đó có nhà báo Thụy Nga cùng một số vũ khí của miền Bắc chi viện cho miền Nam cập được bến Rạch Gốc, Cà Mau. Và từ đó, nhà báo Thụy Nga mang mật danh Bẩy Vân hoạt động gian khổ nơi chiến trường sông nước… Còn nhà báo Cao Kim cũng vượt Trường Sơn vào Nam làm phóng viên chiến trường… Sau chiến thắng, chị Bẩy Vân làm Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, Cao Kim làm Phó Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, cuộc gặp lại nhau nơi thành phố mang tên Bác được tác giả kể lại thật xúc động.
Đọc sách của nhà báo Nguyễn Kim Toàn, bút danh Cao Kim (Anh giải thích do anh cao nên lấy bút danh vậy), chúng ta cứ hình dung một phóng viên với chiếc khăn rằn trên cổ, chiếc máy ảnh cầm tay và khẩu tiểu liên khoác chéo vai xăm xăm nơi rừng đước… Rồi một Tổng Biên tập Báo đất cảng cao to, tiếng nói sang sảng những năm 1989-2002. Một Ủy viên Ban Chấp hành (khóa 5,6,7), Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 6); Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng khóa 2,3… say nghề, miết mải công tác Hội… Báo Đảng Hải Phòng ra nhật báo đã hơn 30 năm, đi đầu trong khâu nối, trong chuyển đổi cách làm là thế. Anh Toàn giới thiệu với tôi là sắp ra quyển 2 đề tài làm báo chiến trường, thật quý hóa… Bát thập niên rồi anh cũng làm việc chừng mực, mặc dù nghề chúng ta không có nghỉ bao giờ, phải không anh?