Làm 'báo salon' và 'tin cóc ổi'

Hồi tôi còn làm việc ở Báo Bình Phước, mỗi kỳ báo thường rơi vào tình trạng thiếu tin - tất nhiên là tin quan trọng, kiểu như Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã, đang triển khai một chương trình, dự án quan trọng về phát triển kinh tế - quốc phòng hay an sinh xã hội; hoặc HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết quan trọng nào đó… Nhất là có thời điểm, Văn phòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh thực hiện quy định chỉ khi trong lịch làm việc có ghi chú 'phóng viên dự đưa tin' thì phóng viên báo, đài mới được vào dự họp, do đó tòa soạn luôn trong tình trạng 'đói' tin trang 1-2.

Trong các cuộc giao ban đầu tuần, đầu tháng, Thư ký tòa soạn luôn trình bày nỗi niềm: Một tuần 5 số báo, mỗi số 2 trang tin mà mỗi tuần chỉ 2, 3 cuộc họp phóng viên được dự đưa tin nên nhiều hôm tòa soạn phải khai thác cả những “tin cóc ổi” đưa vào trang 1-2. Trong khi rất nhiều cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành giải quyết những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân thì không thể thông tin đến bạn đọc!

Cán bộ, nhân viên Phòng Tòa soạn Báo Bình Phước trong giờ làm việc (ảnh chụp năm 2011) - Ảnh: Sỹ Hòa

Thấy Thư ký tòa soạn cứ nhắc đi nhắc lại chuyện “đói tin”, tòa soạn khổ đã đành mà tờ báo cũng mất đi sự hấp dẫn, bởi tin tức là linh hồn của mỗi tờ báo; rồi lại bảo dân chúng quan tâm lãnh đạo tỉnh đang làm gì để thực hiện mấy cái dự án đã “treo” nhiều năm, cái nào tiếp tục làm, cái nào dẹp bỏ chứ chẳng quan tâm việc ra mắt đơn vị này, đơn vị kia được biểu dương đâu… thì trán Tổng Biên tập Hoàng Lâm lúc bấy giờ nhăn lại. Ông nói:

- Làm báo mà cứ trông chờ mấy cuộc họp ở hội trường máy lạnh của Tỉnh ủy mới có tin để đăng thì có mà “ăn cám”!

Ông dăng tờ báo ra, bảo:

- Các phóng viên nhà ta nhanh mà không nhạy. Đợt nắng hạn gay gắt vẫn kéo dài, báo đã đăng tới mười mấy bài và vài phóng sự ảnh về nắng hạn. Vậy mà trên bàn làm việc của tôi vẫn còn cả xấp bài về chủ đề này. Không dùng thì thương cho công sức người viết, mà dùng thì sẽ có người bảo sao cứ nói hoài một chuyện?

Ông gập tờ báo lại, thở dài:

- Làm báo mà cứ thấy cháy thì bảo nóng quá, thấy mưa nhiều bảo ngập quá, thấy nắng hạn kéo dài bảo khát quá, cây chết hết rồi… toàn chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì lấy đâu ra bạn đọc!

Rồi ông đặt câu hỏi:

- Hậu nắng hạn là gì? Có ai biết những người nông dân miền Trung, miền Tây vào mỗi mùa điều, hồ tiêu vẫn khăn gói về Bình Phước để lượm điều thuê, họ sống ra sao? Có ai biết khi những vườn tiêu, cây ăn trái, đồng lúa chết khô; đàn trâu bò chết vì thiếu thức ăn, thiếu nước, không có tiền trả nợ ngân hàng, người dân sẽ phải làm gì? Ngành ngân hàng phải làm gì? Rồi hàng trăm mũi khoan xoắn vào lòng đất trong cơn hoảng loạn tìm nguồn nước sẽ gây ra hệ lụy gì? Ai biết nắng gay gắt và kéo dài, khi mưa xuống sẽ phát sinh dịch bệnh ở người, gia súc và cây cối hay không?

Ông dừng lại một lúc rồi nói tiếp:

- Hãy về cơ sở, ra đồng, đến chợ, vào bếp nhà dân, vào công trình vệ sinh ở các trường học, bệnh viện… tin tức ở đó chứ không phải ở trong các phòng họp!

Rồi ông tuyên bố:

- Từ nay mỗi phóng viên phải bảo đảm ít nhất 2 tin cơ sở một tuần. Ai đạt cao hơn thì có thưởng. Ai không đạt thì Ban Biên tập xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ để bình xét cuối năm!

Từ sau buổi giao ban hôm ấy, quán cà phê gần cơ quan Báo Bình Phước là nơi tụ tập của cánh phóng viên bỗng vắng hẳn. Mấy cô phóng viên trẻ í ới gọi về cơ sở để hẹn làm việc:

- Dạ mai em về, nếu chị bận thì em làm việc với cấp phó cũng được. Thế nhé, thế nhé…

Tôi chợt nhớ khi biên tập một bài viết về dịch cúm AH5N1 trên địa bàn tỉnh của cộng tác viên, phản ánh một hộ dân đã phải tiêu hủy hơn 16.000 con gà vì nhiễm dịch bệnh, nhưng bài viết lại sử dụng ảnh chụp một trại gà đông đúc và khá đẹp. Tôi gọi điện hỏi thì được biết vì trại gà của hộ dân nọ đã tiêu hủy hết nên cộng tác viên chẳng còn gì để chụp, đành lấy tấm ảnh cũ, thời “hoàng kim” của trại để minh họa! Thật tiếc quá. Nếu cộng tác viên này lấy được hình ảnh người chủ trang trại (chắc chắn là vẻ mặt thất thần) bên dãy chuồng trại trống hoác với chú thích: “Chỉ mấy ngày trước, nơi đây từng hiện diện hơn 16.000 con gà, còn bây giờ là gánh nặng nợ nần của chủ trại”, thì chắc chắn bài viết sẽ lay động hơn rất nhiều.

Thế mới biết, cái đẹp cái hay nhiều khi không hoàn toàn là sự bắt mắt! Cũng không phải cứ “tin cóc ổi” là không đáng giá!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/159913/lam-bao-salon-va-tin-coc-oi