Làm cầu Mã Đà nối Bình Phước - Đồng Nai: Cần tính toán kỹ

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước sẽ ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Trước đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước về việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng bởi dự án sẽ đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11 m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III với tổng mức đầu tư là 655 tỉ đồng.

Chủ trương xây dựng từ 20 năm trước

Từ năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang nối hai tỉnh Đồng Nai - Bình Phước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ dự án, xét thấy lưu lượng xe trên tuyến đường chưa nhiều, trong khi cầu Mã Đà có mức vốn đầu tư lớn nên Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chưa đầu tư thực hiện. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà có thể làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Sau đó, tỉnh Bình Phước cũng thống nhất với tỉnh Đồng Nai về việc xác định việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường qua khu bảo tồn là không khả thi. Đồng thời không phù hợp định hướng bảo vệ, phát triển rừng và không phù hợp với quy hoạch tổng thể.

Vì vậy, năm 2017, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động của các phương tiện, thiết bị vận chuyển hành khách và hàng hóa tại bến đò ngang sông Mã Đà (xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú).

Tháng 7-2020, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có cuộc họp khảo sát xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối mạng lưới giao thông trong vùng. Sau đó, Tổng cục Đường bộ giao Sở GTVT tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổ chức hội thảo phương án tuyến kết nối hai địa phương, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khu bảo tồn để xem xét phương án đầu tư.

Tháng 5-2021, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Trong đó, tỉnh nêu rõ mục tiêu hạn chế phát triển dân cư trong khu bảo tồn. Đồng thời đầu tư tuyến đường ven hồ Trị An, thay thế tuyến đường ĐT. 761 xuyên qua khu vực rừng khu bảo tồn.

Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, tuyến đường ĐT 753 sẽ kết nối với đường ĐT 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu bảo tồn đến quốc lộ 1 (thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Đường duy nhất trong khu bảo tồn hạn chế xe đi lại không gây ảnh hưởng đến động vật. Ảnh: VH

Đường duy nhất trong khu bảo tồn hạn chế xe đi lại không gây ảnh hưởng đến động vật. Ảnh: VH

Lo ảnh hưởng hệ sinh thái tự nhiên

Nhiều người lo lắng việc mở con đường xuyên tâm khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn này thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới đã được UNESCO công nhận. Từ nhiều năm nay, khu bảo tồn được xác định là tài sản vô giá của tỉnh Đồng Nai, khu vực miền Đông Nam bộ và của cả nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng cầu Mã Đà giáp ranh hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là chưa phù hợp với đề án bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Đồng thời, ông Hảo cho rằng việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40 km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng khu bảo tồn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm.

Ông Hảo cũng cho biết trong khu bảo tồn có ba di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

“Việc xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua rừng sẽ đi ngược lại định hướng chung bảo vệ khu bảo tồn là hạn chế lượng dân cư lưu thông xuyên qua rừng, nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách nghiêm ngặt” - ông Hảo nói thêm.

Sẽ họp bàn để tìm phương án phù hợp

Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) cũng có văn bản nêu rõ: Việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận sẽ gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học. Từ đó làm suy thoái môi trường, vi phạm và đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu.

MABVN cũng khẳng định Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nếu vi phạm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Do đó, MABVN đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà, ưu tiên xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới thành mô hình phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết Sở GTVT tỉnh đã có đề xuất, kiến nghị việc kết nối giao thông giữa hai tỉnh Bình Phước với Đồng Nai. Sau khi tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xem xét đề xuất này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì làm việc với hai tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và tổ chức UNESCO để họp bàn về dự án cầu Mã Đà. Từ đó, các cơ quan, tổ chức tìm phương án phù hợp, làm sao vừa xây dựng kết nối giao thông khu vực để phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ, gìn giữ được Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.•

Đề xuất kết nối ba tỉnh bằng vành đai 4

Sở GTVT tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu phương án kết nối giao thông theo quy hoạch chung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đó, khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước được định hướng kết nối với nhau qua tuyến đường vành đai 4. Tuyến dài 104 km, kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, tuyến cũng kết nối với cầu chữ Y (nối Đồng Nai và Bình Dương), dự kiến xây phía dưới Nhà máy thủy điện Trị An đoạn bến phà Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), không đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-cau-ma-da-noi-binh-phuoc-dong-nai-can-tinh-toan-ky-post675168.html