Làm cầu nối hạnh phúc
Những cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể do LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức cảm thấy ấm lòng vì được chăm lo chu đáo
"Kết hôn đã 30 năm nhưng đến hôm nay, tôi mới được chụp tấm hình cưới thật đẹp. Điều tiếc nuối nhất của tôi đến nay đã thực hiện được và chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc. Mọi thứ hệt như một giấc mơ". Chị Nguyễn Thị Kim Huyền xúc động bày tỏ như vậy khi được khoác chiếc áo cưới đỏ, cùng chồng cắt bánh và uống rượu giao bôi tại lễ cưới tập thể do LĐLĐ và Hội LHTN quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức trưa 4-10 ở Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace.
Niềm vui trọn vẹn
Chị Nguyễn Thị Kim Huyền và anh Nguyễn Văn Dũng là một trong 7 cặp đôi nên duyên tại lễ cưới tập thể nêu trên.
Vợ chồng chị Huyền quê ở Kiên Giang. Anh chị bén duyên qua mai mối của người thân. Đều sinh ra trong gia đình khó khăn, sớm phải bươn chải mưu sinh nên ngay lần gặp đầu tiên, anh chị đã cảm mến nhau và quyết định kết hôn sau gần 1 năm tìm hiểu.
Chị Huyền kể lúc ấy, gia đình hai bên rất khó khăn nên khi anh chị kết hôn chỉ dùng bữa cơm thân mật. Sau đó, anh chị về ở với nhau, không có nổi một tấm ảnh cưới. Anh chị dự định khi cuộc sống ổn định hơn sẽ chụp vài tấm ảnh cưới làm kỷ niệm. Thế nhưng, bất hạnh liên tục ập đến. Cha mẹ chồng chị Huyền lần lượt ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Chị Huyền quyết định ở nhà chăm sóc cha mẹ, một mình anh Dũng đi làm phụ hồ nuôi cả gia đình, nhọc nhằn không sao kể xiết.
Không thể cùng lúc chăm sóc cả 2 người con và cha mẹ chồng, chị Huyền phải gửi cậu con trai lớn cho ông bà ngoại trông giúp. Thương chồng vất vả, cách đây 8 năm, chị Huyền quyết định lên TP HCM tìm việc làm để san sẻ gánh nặng với anh.
"Từ hồi xin vào làm công nhân (CN) may tại Công ty CP Garmex Sài Gòn, tôi không dám nghĩ có ngày mình sẽ được mặc lại chiếc áo cưới. Do vậy, khi nghe Công đoàn (CĐ) công ty giới thiệu về đám cưới tập thể, tôi cũng không dám đăng ký. Biết chuyện, anh chị em đồng nghiệp, cha mẹ và các con đã khuyên tôi đăng ký. Hai cậu con trai cứ bảo cha mẹ tham gia đi để tụi con được ăn đám cưới, cha mẹ đã vất vả cả đời rồi. Nghe thấy thương quá nên tôi đã đăng ký. Hôm nay, vợ chồng tôi rất hạnh phúc bởi đã được ban tổ chức chăm lo từng chút một. Tôi như được sống lại tuổi thanh xuân" - chị tâm sự.
Nếu như chị Huyền - anh Dũng là cặp đôi lớn tuổi nhất thì anh Trần Thanh Tuấn - chị Lê Thị Trang là cặp đôi trẻ nhất tham gia lễ cưới tập thể lần này. Chị Trang là CN Công ty CP Garmex Sài Gòn, còn chồng là nhân viên giao hàng cho một công ty tư nhân. Anh chị quen nhau được 3 năm và gia đình hai bên cũng thuận tình cho họ kết hôn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên dù kết hôn nhưng 2 vợ chồng vẫn không thể tổ chức đám cưới. Với đồng lương CN ít ỏi, anh chị còn phải phụ giúp gia đình.
"Biết có lễ cưới tập thể, tôi đã bàn với chồng và gia đình hai bên. Được chồng và cha mẹ ủng hộ nên tôi quyết định đăng ký. Tôi thực sự cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của tổ chức CĐ. Đây thực sự là một kỷ niệm khó quên trong đời" - chị Trang tâm sự.
Món quà ý nghĩa
Trong số 7 cặp đôi được tổ chức lễ cưới đợt này, có lẽ vợ chồng anh Đinh Văn Sơn - chị Bùi Thị Quy là trường hợp đặc biệt nhất bởi đều khuyết tật bẩm sinh.
Anh Sơn và chị Quy là CN may tại Công ty CP Garmex Sài Gòn. Lần đầu tiên khoác lên người chiếc áo cưới, anh chị đều rất hồi hộp nên từ rất sớm đã có mặt tại nơi tổ chức tiệc cưới. Dù không thể nghe cũng như nói nhưng trong suốt buổi tiệc, trên khuôn mặt anh Sơn - chị Quy luôn nở nụ cười rạng rỡ. Mỗi khi đồng nghiệp hay người quen chúc phúc, anh chị đều bày tỏ sự cảm ơn bằng những động tác tay đơn giản. Vì có chút trở ngại trong giao tiếp nên với người lạ, anh Sơn giao tiếp chủ yếu qua tin nhắn điện thoại bằng vốn từ ít ỏi của mình.
Anh Sơn quê Hải Dương, chị Quy quê Nam Định. Họ gặp gỡ lần đầu tại TP HCM thông qua những người bạn, khi đó anh Sơn làm việc tại cơ sở dành cho người khuyết tật. Cùng cảnh ngộ nên anh chị cảm thông cho nhau, rồi nảy sinh tình cảm. Năm 2016, anh chị quyết định kết hôn mà không tổ chức đám cưới vì gia cảnh khó khăn.
"Chúng tôi dự tính khi nào con lớn, có tiền rồi sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng nay con đã 4 tuổi, một cái đám cưới chúng tôi vẫn không dám nghĩ đến. Chúng tôi hết sức may mắn khi được LĐLĐ quận Gò Vấp và ban giám đốc công ty hỗ trợ. Với vợ chồng tôi, hạnh phúc vậy là trọn vẹn" - anh Sơn bày tỏ.
Chứng kiến niềm vui của anh trai và chị dâu, chị Đinh Thị Thủy (em anh Sơn) vô cùng xúc động. Chị cho biết: "Anh trai tôi từ khi sinh ra đã kém may mắn nhưng anh đã cố gắng vươn lên để thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Được tham dự lễ cưới của anh chị trong không khí ấm cúng, tôi rất vui".
Không chỉ người thân, lễ cưới tập thể còn đón tiếp nhiều đồng nghiệp, bạn bè của các đôi uyên ương đến tham dự, chúc phúc cho họ. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, xúc động nói: "Cuộc sống CN còn vô vàn khó khăn, vì vậy nhiều anh chị em không thể có một đám cưới trọn vẹn. Với tinh thần sẻ chia, LĐLĐ quận đã lên ý tưởng tổ chức lễ cưới tập thể cho họ. Chúc tất cả các cặp đôi hôm nay sẽ luôn gìn giữ được hạnh phúc và vươn lên trong cuộc sống!". Bà Yến cũng gửi lời cảm ơn tất cả các đơn vị đã đồng hành với tổ chức CĐ quận để làm cầu nối hạnh phúc cho các cặp đôi này.
Ông Hồ Xuân Lâm, phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Ý tưởng tuyệt vời, nhân văn
Xa quê kiếm sống nên đại bộ phận CN ngoại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình CN dù kết hôn và có con đã lâu nhưng không thể tổ chức lễ cưới đúng nghĩa. Do vậy, lễ cưới tập thể là ý tưởng tuyệt vời, đầy nhân văn của đội ngũ cán bộ CĐ quận Gò Vấp, TP HCM. Lễ cưới không chỉ là cầu nối hạnh phúc cho đoàn viên mà còn động viên họ tiếp tục cố gắng vươn lên trong khó khăn, tiếp tục giữ "lửa" hạnh phúc trong gia đình.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lam-cau-noi-hanh-phuc-20201004212107737.htm