Làm đèn ông sao

Năm 1963 tôi 10 tuổi, học lớp ba. Sắp đến trung thu, thằng Hùng Lịch bạn thân chạy sang nhà tôi gọi: - Mày đã có giấy poluya mầu chưa? Đó là loại giấy mỏng dùng để viết thư chúng tôi sẽ làm cánh của đèn ông sao. Giấy poluya trắng thì bán đầy ở quầy sách báo nhưng poluya mầu thì ít, khó kiếm.

Tôi bảo:

- Tao còn có giấy bóng kính các mầu cơ. Mày gọi con Xuân, con Ninh sang làm đèn ông sao nhé.

Lát sau nó chạy lại réo to:

- Con Xuân không sang đâu. Nó bảo phải trông hàng, chúng mình sang nhà nó vừa làm vừa trông hàng cho bà nó.

Tôi ôm vài ống nứa và tệp giấy bóng kính màu sang nhà con Xuân. Tới nơi đã có thằng Hùng Lịch, thằng Doanh nhà đối diện. Con Ninh, thằng Lan Nhuận và mấy đứa nữa . Xuân hơn tôi một tuổi, nhà ở ngã ba giữa con đường chính và con đường bờ sông. Bà nội nó là bà Lý Ân. Ngày xưa họ hay gọi theo chức vụ thời Pháp của chồng vì ông Ân làm chức Lý tổng ở làng. Ví dụ ông ngoại tôi tên là Hy Văn Dị, ông là trưởng ga Yên Bái hay trưởng tầu gì đó nên gọi là Sếp Dị..

Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm trên mạng.

Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm trên mạng.

Vỉa hè nhà Xuân rất rộng, vì nhà nó ở ngã ba đường nên có hai mặt đường. Trước nhà nó có cây bàng to nên rất mát. Cây bàng mùa hè lá xanh mướt, lá bàng to, dày, tán cây bàng rộng nên cái sân, vỉa hè nhà nó rất mát. Mùa thu lá bàng đã chuyển màu tím đỏ lẫn xanh vàng trông rất đẹp. Tán Bàng mát nhưng chúng tôi rất sợ vì cây bàng có rất nhiều sâu róm. Phía đầu hồi nhà nó là con đường đi ra bờ sông, trên vỉa hè phía ấy có cây me, chúng tôi hay khều lá me non ăn. Vị chua dịu thấm vào ruột. Hôm nào giật được cành to, bẻ ăn lá non còn lá già mang về cho bà ngoại tôi đánh dấm nước rau muống luộc. Nước rau muống me ngon tuyệt. Chan nước canh chua vào, kèm mấy quả cà pháo trắng phau, ròn tan. Tôi ăn như rồng cuốn.

Nhà cái Xuân bán tương, cà, dưa muối...

Bà nó treo cái biển to hơn trang sách viết bằng phấn trắng:

- Ở đây có bán tương, dưa, cà ngon.

Một hôm, trong lớp, tôi và Xuân cãi nhau. Tôi tức quá, trên đường đi học về liền lấy phấn viết lên vỏ hũ tương của bà nó:

- " Tương có c...ứt".

Bà ngoại nó tức điên, chống nạnh chửi bên đông, quay sang bên tây, chĩa sang bên đường:

- Cha tiên sư bố thằng hổ vồ, con quạ mổ. Cha tiên sư bố tam đại, tứ đại, ngũ đại thằng nào, con nào viết bậy viết bạ lên chum tương nhà bà. Bà sắn váy nguyền:

- Nhà mày ra sông chết trôi, ra đường xe đâm, đi buôn chết chợ ...

Con Xuân biết ngay lũ con trai tinh nghịch bạn nó nhưng không biết thằng nào. Mãi năm 1993, nó về Hà Nội, gọi điện thoại bàn cho tôi:

- A lô! Có phải Quân Hòa đấy không?

Tôi trả lời:

- Quân đây! Nó reo lên trong máy:

- Có biết ai đây không?

Tôi nghe giọng đã nhận ra ai rồi. Tôi nói trong máy:

- Tôi biết bạn là con ông Đ ở ngã ba đồn Công An. Tôi còn biết bạn đi dép cỡ 42, nhà bán tương có cứt. Tiếng cười phá trong máy:

- Thằng đểu: Bây giờ tao mới biết mày là thủ phạm viết lên chum tương nhà tao ngày xưa. Tao sẽ về mách bà là thằng Quân Hòa làm việc ấy đấy bà ạ!

- Chúng tôi cười vang rổn rả. Sở dĩ lâu lắm mới liên lạc được với nhau vì năm 1965 thị xã Yên Bái là một trong những mục tiêu hủy diệt của giặc Mỹ. Chúng tôi đi sơ tán khắp nơi. Học xong phổ thông tôi về Hà Nội học đại học, rồi đi bộ đội. Năm 1980 cả nhà lại chuyển về Hà Nội nên ít có dịp về lại Yên Bái.

Trở lại câu chuyện xưa. Chúng tôi ngồi trên vỉa hè nhà Xuân, chẻ ống nứa, vót nan làm đèn ông sao. Thằng Hùng Lịch pha ống nứa, chẻ nan. Mấy đứa chúng tôi vót các cạnh thanh nứa cho khỏi sắc để đan không bị đứt tay. Dù đã biết thế mà lúc vót nan con Ninh thét lên:

- Ối! Tao đứt tay rồi!

Máu chảy thành giọt trên ngón tay đeo nhẫn của nó. Con Xuân sợ quá kêu toáng lên:

- Bà ơi! Cứu chúng cháu với!

Tôi nhìn cái Ninh và thả một câu:

- Đồ hậu đậu! Vót cái nan cũng không nên hồn.

Ai ở miền núi mới biết cật nứa sắc lẹm. Chẻ nứa không cẩn thận, cật nứa cắt vào thịt sâu đến xương mà không thấy đau, chỉ thấy buốt, sót.

Bà Lý Đường chạy ra, nhè cái bã trầu đang nhai, dán vào chỗ đứt rồi xé miếng giẻ lau trên bàn uống nước buộc lại. Thật kỳ diệu, máu cầm ngay. Tôi bảo con Ninh:

- Thôi mày không vót nan nữa, chuẩn bị hồ và giấy đi!

Hômsau

Theo sự hướng dẫn của cô giáo ở lớp. Chiều nay chúng tôi trải những nan đã chuốt nhẵn rồi bắt đầu làm xương đèn ông sao. Để được cái đèn ông sao phải có hai mảnh ngôi sao năm cách úp vào nhau, buộc chặt ở các đầu. Mỗi vế sao 5 cánh được đan bằng những nan nứa có độ dài bằng nhau. Cách đan như đan nong mốt.

Chúng tôi phân ra mỗi nhóm hai đứa làm một đèn. Sau một tuần sẽ nộp cô giáo chấm điểm môn THỦ CÔNG rồi mang về đến đêm trung thu thì mang ra rước đèn.

Tôi và cái Xuân làm một đèn. Hai đôi khác làm 2 đèn nữa. Xuân cao hơn tôi gần một gang tay, hai bím tóc tết ba to dày, dài. Khi đi hoặc lắc đầu trông như đuôi con ngựa đen. Tay nó to như tay đàn ông, bàn chân bè bè như cái bàn là than ngày ấy, đổi lại nó có đôi mắt rất đẹp, mi cong vút. Chúng tôi toàn trêu nó là nàng công chúa đi dép cỡ 42. Nó tức lắm, cầm thước kẻ đuổi đánh chúng tôi trong tiếng cười ròn tan trong trẻo.

Tôi xếp nan vào rồi bảo nó đan vì thực tình lúc cô dạy cách đan tôi mải nói chuyện riêng với thằng Hùng Lịch.

Tôi nghiêm mặt bảo nó:

- Phần này dễ, tao nhường mày. Phần lên khung mới khó, tao sẽ làm.

Nhân đây tôi cũng phổ biến cho các bạn muốn làm đèn ông sao, quy trình làm đèn ( như quy trình bổ nhiệm cán bộ bây giờ) như sau:

Bước 1: Chọn vật liệu làm nan. Có thể dùng đoạn tre, nứa, giang, vầu, mai vv nhưng phải là loại bánh tẻ tức là không già quá, cũng không non quá.

Bước 2: Làm nan.

Ống tre, nứa... được " pha ra" tức là bổ đôi đoạn ống rồi bổ đôi tiếp cho đến khi được thanh nan có bề ngang từ 1 đến 1,5 cm. Lột bỏ phần bụng, lấy phần cật là phần ngoài cùng của nan. Cạo sạch lớp tinh bên ngoài nan để khi dán, giấy dễ bám vào khung đèn.

Bước 3: Đan mảnh ngôi sao.

Mỗi đèn có 2 mảnh ngôi sao. Đan ngôi sao theo công thức đan nong mốt cứ một nan trên lại một nan dưới. Để cho cân cánh ngôi sao tôi vẽ sẵn ngôi sao trên đất rồi đan theo hình vẽ. Khi đan xong, úp hai mảnh ngôi sao lại, chỉnh cho trùng khớp rồi buộc 5 đỉnh ngôi sao bằng lạt giang.

Bước 4: Lên khung đèn. Đây là bước rất khó vừa đòi hỏi tỷ mỷ, nhanh, chính xác vừa cần sức khỏe. Trước khi lên khung phải làm sẵn trụ chống đèn. Trụ chống là 5 mẩu tre gốc, có chiều dài khoảng 5 đến 6 cm tùy đèn to, nhỏ, cánh dài hay ngắn.

Đầu tiên dùng sức kéo mảnh trên lên, mảnh dưới phải cố định chặt. Khi mảnh trên được kéo lên thì người bên cạnh phải nhanh tay đặt các trụ chống vào đúng tâm tâm của các đường giao của cánh ngôi sao, để ngôi sao phình ra mới đẹp.

Nói thì dễ nhưng làm mới khó làm sao. Tôi bảo cái Xuân kéo mảnh trên lên. Cái Xuân rất khỏe, nó kéo vèo một cái, 3 trong 5 nút buộc ở đầu cánh bung ra. Tôi cáu quá hét:

- Mày kéo như cứt ấy, phải từ từ, nhẹ nhàng. Bung hết mối buộc rồi! Mày phải buộc lại các đầu ngôi sao đi!

Nó cũng chẳng vừa, chống nạnh rít lên trông giống bà nó thế:

- Đồ chân yếu tay mềm. Có buộc cái nút đầu ngôi sao mà cũng không chặt, mày là thằng công tử bột! À mà việc nâng lên là của mày cơ mà, sao mày lại bảo tao làm rồi còn mắng tao? Nó vừa nói vừa tiện tay bẹo vào cái má bánh đúc đỏ hây hây của tôi kèm theo tiếng rủa:

- Đồ mặc váy!

Tôi ức quá, động đến liêm sỉ của đàn ông. Tôi trả đũa, đánh vào nỗi đau của nó:

- Đồ đàn bà chân to, đi dép cỡ 42! Rồi

đổi chỗ cho nó, miệng bảo:

- Tao nâng, mày tra trụ chống vào!

Tôi mắm môi kéo nửa ngôi sao phía trên lên. Cái Xuân đút trụ chống vào. Nó loay hoay cúi xuống tìm ví trí đặt trụ. Được mươi giây, tôi mỏi tay, hết hơi tuột tay. Mảnh trên ngôi sao sập xuống như cái bẫy chuột kẹp chặt nửa bàn tay Xuân. Nó rú lên đau đớn, giãy dụa, cố kéo bàn tay ra. Nó khóc rống lên kêu gào:

- Đau quá, đau quá! Mẹ bố thằng Quân nhớ! Bà ơi, bà ơi cứu cháu với!

Tôi và mấy bạn hoảng sợ nắm lấy ngôi sao kéo mạnh, kéo ngược lại làm nó càng xiết vào tay cái Xuân hơn.

Bà nó chạy ra, nhanh nhẹn nâng mảnh ngôi sao lên, kéo tay nó ra. Bàn tay Xuân bị cào xước tứa máu. Bà nó xót xa ôm cháu vào lòng vừa xoa vừa nhấm nước bã trầu bôi vào chỗ xước mà nựng cháu nó như nựng trẻ con:

- Ôi, bà thương cháu gái bé bỏng của bà, còn đau không cháu? Tôi nhếch mép nghĩ:

- To như cái bồ sứt cạp mà còn bế lên lòng.

Bà nó ném ánh mắt hình viên đạn về phía tôi, chẳng hỏi han đúng sai thế nào, bà té tát:

- Mày làm gì mà tay cháu tao rách như mèo cào, máu me toe toét thế này? Tao sẽ mách bố mẹ mày để ông bà ấy dạy mày. Cái Xuân vừa mếu vừa khóc trông thật đáng ghét, nó chỉ tay vào tôi:

- Tại nó, cháu đang luồn tay tra trụ chống vào thì nó buông tay ra! Hư hư đau quá! Tao không thèm chơi với mày nữa!

Máu dồn hết lên mặt tôi vì tức, cái má vốn đã hồng nay đỏ tím vì bị cả hai bà cháu nó xỉ vả. Tôi thò tay vào mồm, kéo má phồng ra, lè dài cái lưỡi làm động tác leo leo rồi tiện chân đá bay cái ghế ngồi con con xuống đường, bỏ về. Lũ bạn ngơ ngác, thằng Hùng chạy theo kéo tay tôi. Tôi vùng ra đi thẳng, vẫn nghe phía sau tiếng bàn tán của lũ bạn, tiếng thút thít của cái Xuân và tiếng vỗ về của bà nó. Hoàng hôn đổ dài trên dãy núi bên kia sông Hồng, mấy lá bàng đỏ tím chao đảo rụng xuống chỗ chúng tôi ngồi.

Trẻ thơ chẳng giận nhau được lâu. Sáng sớm hôm sau đến lớp chúng tôi lại tíu tít nói chuyện, chạnh chọe trêu đùa nhau. Cái Xuân bàn tay vẫn bôi thuốc đỏ, đỏ lòm trông gớm ghiếc. Nó lại tươi vui như chẳng có chuyện hôm qua.

Chiều nay chúng tôi lại tiếp tục làm đèn ông sao. Buổi học tan nhanh, bữa cơm trưa ở nhà cũng nhanh hơn. Chưa đến một giờ chiều mấy đứa đã có mặt ở sân hè nhà cái Xuân. Sân đầy lá bàng vàng, cái Ninh vớ chổi quyét qua loa cái sân. Chúng tôi bày đồ đạc, dụng cụ ra, ba cái đèn đã được bà cái Xuân tra trụ hộ. Với người lớn việc đó chỉ vài phút là xong

.

Chúng tôi bắt tay thực hiện bước 5: Dán giấy vào khung đèn ông sao.

Việc này thì bọn con gái giỏi hơn chúng tôi rồi. Chúng cắt giấy bóng kính tôi mang sang theo từng cánh ngôi sao, sau đó chúng tôi chỉ việc dán. Sờ đến hồ thì mới biết chưa có. Tôi bảo thằng Hùng:

- Hôm qua bảo mày mang hồ mày quên à?

Nó bảo:

- Tao quên rồi chạy vù về. Lát sau nó sang, gãi tai lí nhí:

- Nhà tao không có bột nếp nên chưa đun hồ được. Để các cánh đèn căng, phẳng cần phải dán chặt, thông thường dùng hồ bằng bột nếp, cho chút vôi để gián khỏi cắn, nhấm đèn. Nghe thằng Hùng nói cả bọn ồ lên:

- Không có thì phải kiếm chứ! Bây giờ lấy gì để dán đây?

Bà cái Xuân đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm trông hàng tương cà thấy vậy lên tiếng:

- Các cháu cứ cắt giấy đi, Xuân vào bếp lấy cái xoong quấy bột ở góc chạn ấy. Bà đã chuẩn bị cho mấy thìa bột nếp rồi. Bà lấy que đóm khều một tẹo vôi trong cái bình vôi ăn trầu của bà, bảo cái Xuân:

- Khi hòa bột cho tẹo vôi này vào! Lúc này trông bà hiền từ, khác hẳn lúc bà mắng tôi làm cái Xuân đau tay.

Chỉ mươi phút sau Xuân mang xoong hồ ra, hồ vẫn còn nóng nên chúng tôi ngồi xâu hạt bưởi phơi khô vào làm bấc đèn ông sao. Thời đó con nhà nghèo không có tiền mua nến thì lấy hạt bưởi phơi khô, dùng que tre tươi vót nhọn hoặc dùng kim chỉ xâu những hạt bưởi khô vào thay nến. Nến hạt bưởi cháy phát ra tiếng kêu lách tách rất vui tai và mùi bưởi thơm dễ chịu.

Hồ nguội, chúng tôi dán giấy bóng kính vào khung đèn ông sao. Mỗi cánh một màu gồm: Xanh - đỏ - tím- vàng - hồng.

Cái Ninh và thằng Lan Nhuận ngồi cắt giấy làm tua rua. Tôi làm vòng tròn để gắn nối các đỉnh ngôi sao lại. Thằng Lan đã cuốn xong cái cán đèn bằng đoạn ống nứa bé, cũng cuốn giấy xanh đỏ chéo chéo như làn sóng.

Gió từ sông Hồng thổi vào làm tung những sợi tóc mai trên trán mấy đứa con gái, cuốn những mảnh giấy thừa xoay xoay đùa nghịch trên vỉa hè, lòng đường. Hình như có tiếng chích chích của vợ chồng con chim sâu đang bắt sâu trên cây bàng. Một con sâu róm xấu xí thả mình trên sợi tơ xuống đầu con ninh. Tôi lấy mảnh nứa gạt đi kẻo chúng biết sẽ rú lên. Cả lũ chăm chú làm bước hoàn thiện cuối cùng. Cuốn giấy màu vào vành tròn quanh 5 cánh ngôi sao và cán ngôi sao.

Chúng tôi ngây người ngắm nhìn thành phẩm do chính tay mình làm ra. Ba cái đèn ông sao như ba ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời.

Cái Xuân muốn dán thêm những ngôi sao nhỏ tý xanh đỏ lên cánh ngôi sao. Cái Ninh thì muốn in hình bản đồ VN lên giữa ngôi sao. Mỗi đứa một ý. Cuối cùng 3 cái đèn ông sao đã hoàn chỉnh, đẹp hơn cả mong đợi. Tôi nêu ý kiến:

- Tối nay ta đốt thử nến lên xem sao?

Mấy đứa lại tranh mhau nói:

- Nhỡ cháy thì sao làm kịp. Sáng mai phải nộp đèn rồi...

Hôm sau chúng tôi mang đèn đến lớp nộp bài. Trong sân trường là cả một rừng đèn ông sao, đèn kéo quân vì lớp nào cũng phải làm.

Học sinh Lớp 4 lớn hơn thì làm đèn kéo quân, học sinh lớp một, lớp hai thì làm đèn cù hoặc cờ đỏ sao vàng bé bé.

Cô giáo chấm điểm: hai cái đèn điểm 10, một cái điểm 9 với lời nhận xét:

- Đèn ông sao nhóm 5 ( tên nhóm tôi) đẹp, chắc chắc, sáng tạo.

Nhiều tổ khác cũng được điểm 9. Duy nhất nhóm tôi có hai đèn được điểm 10 đèn dán giấy bóng kính nên long lanh đẹp mắt vượt trội.

Chiều hôm ấy bà cái Xuân rang một đĩa lạc và mua một nải chuối khao chúng tôi. Vừa ăn chuối, tôi vừa nhìn bà, sao bà hiền hậu và đáng yêu thế? Khác hẳn hôm bà tung váy chửi hàng xóm. Tôi thấy mình có lỗi với bà quá! Mấy lần định dũng cảm nói với bà:

- Bà ơi! Cháu xin lỗi bà, chính cháu là thằng viết dòng chữ " TƯƠNG CÓ C.ỨT" lên chum tương của bà mà tiếng nói cứ tắc nghẹn trong cuống họng. Tôi đã mang nỗi ân hận này theo những chuyến tàu lênh đênh trên biển và mong có dịp về phép tạ tội với bà.

Khoảng năm 2000 bà mất. Dạo đó thông tin liên lạc chưa như bây giờ mặt khác tôi đang tại ngũ nên không biết để về tiễn đưa bà. Mỗi lần về quê YB tôi đều đến thắp hương cho bà. Tôi cầu mong bà yên nghỉ dưới suối vàng, tha tội cho thằng cháu nghịch ngợm này!

Đúng ngày rằm trung thu, chúng tôi rước đèn ông sao. Tiếng hát thơ trẻ vang lên trong buổi tối đêm rằm. Chị Hằng tỏa ánh sáng mát rượi xuốn trần gian.

Hà Nội, rằm trung thu 2023

T.H.Q

Trái tim người lính

Tống Hồng Quân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lam-den-ong-sao-a20457.html