Làm dịch vụ đưa đón trẻ theo phong trào dễ gặp hậu quả xấu

Song song với việc ban hành các chính sách pháp luật quản lý dịch vụ đưa đón trẻ em, ngành giao thông và giáo dục các tỉnh cần phối hợp rà soát thanh, kiểm tra hoạt động vận chuyển học sinh tại các trường.

Vụ việc bé trai T.G.H. (5 tuổi, trú xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong không phải là lần đầu xảy ra mà trước đó tại Hà Nội, Bắc Ninh... cũng đã có trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe.

Thực tế, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể loại hình xe đưa đón học sinh, nhưng đã có quy định nghiêm ngặt đối với loại hình kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách bằng hợp đồng thông thường.

Cụ thể, điểm a, khoản 2, điều 11, Nghị định 10/2020 của Chính phủ đã quy định: Đơn vị KDVT phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động KDVT. Song song đó, Nghị định 10 cũng quy định đơn vị KDVT phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe KDVT hành khách).

 Chiếc xe đưa rước của trường Mầm non Hồng Nhung. Ảnh: CTV

Chiếc xe đưa rước của trường Mầm non Hồng Nhung. Ảnh: CTV

Thêm vào đó, điểm b, khoản 6, điều 4, Thông tư 12/2020 cũng quy định: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe KDVT hành khách).

Như vậy, pháp luật hiện hành đã bao trùm toàn bộ hoạt động KDVT, trong đó xe chở học sinh. Điều này có thể khẳng định, hành lang pháp lý để xử phạt các trường hợp lái xe bỏ quên hành khách trên xe đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện.

Trao đổi với PLO, đại diện một Sở GTVT nhận xét: "Nếu cả quy trình đưa đón trẻ từ tài xế, người đón, giáo viên quản lớp, nhà trường mà trách nhiệm phối hợp nhuần nhuyễn thì không thể có chuyện trẻ bị bỏ quên cả ngày. Điều này thể hiện cả quy trình với những người thực hiện thiếu trách nhiệm. Bởi nếu một mắt xích trong chuỗi lỡ có quên thì các mắt xích còn lại sẵn sàng sửa chữa… nhưng ở đây không nhìn thấy có sự hỗ trợ cho nhau…".

Theo vị này, về mặt pháp luật, chúng ta cũng phải thừa nhận đang có kẽ hở đối với quy định xe đưa đón trẻ em. Bởi đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông hơn so với các đối tượng khác.

Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và Luật Đường bộ quy định việc quản lý hoạt động chở trẻ là cần thiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em.

 Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ quy định việc quản lý hoạt động chở trẻ là cần thiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em. Ảnh: Đ.T

Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ quy định việc quản lý hoạt động chở trẻ là cần thiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em. Ảnh: Đ.T

Tuy nhiên, qua những vụ việc vừa qua tại các tỉnh cho thấy việc thực thi và chấp hành pháp luật tại nhiều nơi vẫn còn rất hạn chế. Bởi vậy, song song với việc ban hành chi tiết các quy định của pháp luật đối với hoạt động đưa đón trẻ em, ngành giao thông và giáo dục các tỉnh cần phối hợp tăng cường rà soát thanh, kiểm tra hoạt động vận chuyển học sinh tại các trường.

Đặc biệt, cần nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường bổ sung dịch vụ đưa đón trẻ theo phong trào thiếu tập huấn, đào tạo và giám sát dẫn đến nguy cơ xảy ra những cái chết thương tâm cho trẻ.

TS. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), khẳng định việc đưa đón học sinh đặc biệt là ở những trường tư tại những thành phố lớn được thực hiện bài bản. Hầu hết các trường đều coi đó là sự sống còn của nhà trường.

“Chẳng hạn như trường chúng tôi, việc tổ chức đưa đón học sinh phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Trường có bộ phận chỉ đạo trực tiếp việc đưa đón học sinh hằng ngày, trên xe ngoài lái xe còn có monitor. Thêm vào đó, lái xe phải được tập huấn về những nguyên tắc đưa đón học sinh hai lần mỗi năm. Với những nhân viên đưa đón học sinh, trường cũng ưu tiên sử dụng cán bộ trường, bởi họ nắm được văn hóa, học sinh của trường…” - TS. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nói.

Một giáo viên ở một trường mần non ở Hà Tĩnh cũng cho rằng hiện nay có tình trạng các trường học theo cách làm của nhau, vì vậy việc tổ chức đưa đón học sinh không thực hiện bài bản. "Tôi cho rằng cần có kế hoạch rà soát lại các trường, song song đó xây dựng quy chuẩn đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô"- vị giáo viên này chia sẻ.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-dich-vu-dua-don-tre-theo-phong-trao-de-gap-hau-qua-xau-post793598.html