Lâm Đồng chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, cũng như thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) để đạt các mục tiêu đề ra.

Tổ chức RECOFTC cùng cán bộ ngành Lâm nghiệp tỉnh hướng dẫn bà con xã Đa Quyn (Đức Trọng) nâng cao hiểu biết về BĐKH
Lâm Đồng là một trong các tỉnh Tây Nguyên chịu ảnh hưởng khá rõ nét về BĐKH và thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như: Lốc xoáy, mưa đá, nắng nóng, hạn hán cục bộ, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,… Mức độ tác động, quy mô ảnh hưởng và tần suất xuất hiện ngày càng gia tăng. Trong 25 năm qua, nền nhiệt ở đây đã tăng 0,3 - 0,5oC; có sự chênh lệch lớn lượng mưa giữa mùa mưa và mùa khô trong năm, trung bình lượng mưa mùa khô chỉ chiếm 20 - 23% tổng lượng mưa của năm, có năm 10%. Thiệt hại mỗi năm do BĐKH gây ra là rất lớn.
Điều này đã tác động đến các vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là tài nguyên, môi trường, du lịch và đời sống người dân. Ngoài ra, BĐKH còn làm cho nhiều hệ sinh thái dễ bị tổn thương, các quá trình sinh trưởng, sinh sản của nhiều loài động, thực vật bị thay đổi, đe dọa sự tồn tại, phát triển của nhiều quần thể nhỏ, quý hiếm.
Do đó, Lâm Đồng xác định công tác tuyên truyền về ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, trung bình hàng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức trên 10 đợt tuyên truyền, tập huấn đối với các nội dung liên quan. Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, đảm bảo sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của BĐKH. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các ngày kỷ niệm có liên quan. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, hằng năm, ngành Nông nghiệp, các địa phương đều thực hiện, triển khai các kế hoạch phòng ngừa nguy cơ gây sạt lở và lũ quét trên địa bàn cũng như đối với các dự án và nhiệm vụ thường xuyên ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan (ngập lụt, lũ quét, hạn hán…). Thống kê trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp đã thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa 23 công trình thủy lợi với với tổng kinh phí là 158,03 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, các năm qua, địa phương đều đã triển khai tốt nhiệm vụ lập báo cáo đánh giá giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH trên địa bàn nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, cập nhật đóng góp về thích ứng với BĐKH phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ, đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do BĐKH. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện các mục tiêu trong Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với BĐKH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận.
Song song đó, sẽ chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái quy định và giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô, nội thị, khu dân cư (các phường trên địa bàn TP Đà Lạt và các thị trấn các huyện lân cận) so với hiện trạng của năm 2022. Tiến tới năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn Đà Lạt.
Theo đánh giá, năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nâng lên trong 10 năm qua. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, giảm phát thải khí CO2. Người dân từng bước nâng cao nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chủ động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.