Lâm Đồng đảm bảo đi lại, chỗ ở cho gần 2.000 cán bộ, công chức sau sáp nhập

Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Đề án sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, với tỷ lệ đồng ý 100%.

Tại kỳ họp, bà Phạm Thị Phúc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính theo chủ trương, kế hoạch của Trung ương.

Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng biểu quyết thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng biểu quyết thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo bà Phúc, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông thực hiện tốt công tác cán bộ sau sáp nhập; chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

"Chính quyền quan tâm đến nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp", bà Phúc nhấn mạnh.

Sau sắp xếp, Lâm Đồng có 51 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau sắp xếp, Lâm Đồng có 51 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau khi sáp nhập ba tỉnh, gần 2.000 cán bộ, công chức, viên chức của Đắk Nông và Bình Thuận sẽ làm việc tại trung tâm hành chính ở TP Đà Lạt. Trước nhu cầu đi lại, chỗ ở tăng cao, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các biện pháp giải quyết vấn đề cấp thiết này.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đang khảo sát khoảng 10 cơ sở để bố trí nơi làm việc cho cán bộ các tỉnh đến làm việc. Đồng thời, việc rà soát, đánh giá nhà công vụ cũng đang được thực hiện nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho cán bộ, công chức.

Để tạo điều kiện di chuyển cho cán bộ, công chức, Lâm Đồng tạm tính bố trí khoảng 10 xe 50 chỗ cho Đắk Nông và 20 xe cho Bình Thuận, xuất phát vào ngày Chủ nhật hoặc sáng thứ Hai. Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng tuyến xe dịch vụ hoạt động theo giờ cố định để phục vụ nhu cầu đi lại.

"Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho những cán bộ ở Đắk Nông, Bình Thuận di chuyển đến TP Đà Lạt làm việc sau khi sáp nhập", ông Phúc cho hay.

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông thực hiện tốt công tác cán bộ sau sáp nhập.

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông thực hiện tốt công tác cán bộ sau sáp nhập.

Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho hay, đã xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính cũ của tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và tại Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới.

Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị làm rõ các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành và yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp có thể bố trí cán bộ, công chức, viên chức đồng thời ở ba địa phương.

Đồng thời, tính toán sắp xếp các phòng, ban, đơn vị và tỷ lệ số lượng cán bộ, công chức, viên chức của từng phòng, ban, đơn vị làm việc đồng thời tại ba địa phương.

Các đơn vị phải thuyết minh rõ từng trường hợp cán bộ, công chức, viên chức dự kiến bố trí làm việc tại ba địa phương (ngoài việc thống kê nhu cầu, phải gắn với yêu cầu về nhiệm vụ công việc, vị trí việc làm đang đảm nhiệm).

Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Quyết định 759, sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới đặt tại TP Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 24.200km2, quy mô dân số hơn 3,3 triệu người.

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/lam-dong-dam-bao-di-lai-cho-o-cho-gan-2000-can-bo-cong-chuc-sau-sap-nhap-192250428152739485.htm