Lâm Đồng: Điểm mặt các dự án, công trình sai phạm

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra các sai phạm về xây dựng, đất đai, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhiều dự án xảy ra sai phạm trong thời gian dài nhưng không khắc phục hoặc chậm trễ khắc phục chờ điều chỉnh, hợp thức hóa.

Tại dự án Khu du lịch Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt (do Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ làm chủ đầu tư), sau gần 20 năm triển khai dự án, tại đây có 93 công trình hiện hữu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định có tới 88 công trình thi công sai giấy phép.

 88 trong tổng số 93 công trình tại dự án Khu du lịch Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt sai phép, nhiều công trình đã hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính do không được phát hiện xử lý sớm

88 trong tổng số 93 công trình tại dự án Khu du lịch Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt sai phép, nhiều công trình đã hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính do không được phát hiện xử lý sớm

Đáng chú ý, bên cạnh các quyết định xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án Khu du lịch Nam Hồ về hành vi xây dựng sai phép, UBND TP Đà Lạt cũng ban hành 5 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền) 2 năm đối với Công ty Cổ phần Xây dựng - Du lịch Nam Hồ, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đến nay việc khắc phục vẫn chưa thực hiện.

 Một hạng mục tại dự án Khu du lịch Nam Hồ đang hoàn thiện

Một hạng mục tại dự án Khu du lịch Nam Hồ đang hoàn thiện

Còn tại dự án xây dựng Merperle Dalat Hotel (khách sạn 5 sao) của Công ty Cổ phần Khải Vy. Quá trình xây dựng chủ đầu tư đã xây dựng vượt giấy phép tổng diện tích hơn 4.450m2. Sau nhiều lần chờ xử lý theo quy định thì chủ đầu tư đã kịp điều chỉnh giấy phép để hợp thức phần sai phép, sau đó đưa dự án đi vào hoạt động.

 Merperle Dalat Hotel đã đi vào hoạt động sau khi hợp thức phần xây dựng sai phép

Merperle Dalat Hotel đã đi vào hoạt động sau khi hợp thức phần xây dựng sai phép

Tương tự, dự án Khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt tại số 23 Quang Trung, phường 9, TP Đà Lạt sau khi được chấp thuận chủ trương làm khu vui chơi, trưng bày sản phẩm từ năm 2012. Sau hơn 10 triển khai đến nay dự án đã được “hô biến” thành khách sạn mang tên “Dalat Prince Hotel”.

 Từ chủ trương làm khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt, công trình tại số 23 Quang Trung, phường 9, TP Đà Lạt đã trở thành khách sạn, dù đã bị thu hồi xác nhận cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ

Từ chủ trương làm khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt, công trình tại số 23 Quang Trung, phường 9, TP Đà Lạt đã trở thành khách sạn, dù đã bị thu hồi xác nhận cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ

Tại dự án này, dù Phòng Văn hóa và Thông tin Đà Lạt đã thu hồi xác nhận cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đến nay, Khách sạn Dalat Prince vẫn hoàn động bình thường bất chấp các điều kiện phát sinh.

Tại dự án sân golf The Dàlat at 1200 (Công ty TNHH Acteam International chủ đầu tư) được triển khai từ năm 2008, sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 649ha đất để đầu tư xây dựng sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Đơn Dương, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng và đưa vào vận hành sân golf từ năm 2015.

 Một góc dự án sân golf The Dàlat at 1200

Một góc dự án sân golf The Dàlat at 1200

Qua kiểm kê rừng, cơ quan chức năng xác định biến động trạng thái rừng giữa năm 2022 và năm 2007 (năm kiểm kê trước khi bàn giao cho nhà đầu tư) thì diện tích đất có rừng giảm là hơn 43,2ha. Trong số đó, chỉ có 2,77ha rừng bị mất được cơ quan chức năng xử lý (chủ yếu rừng do Công ty TNHH Acteam International san ủi đất trên diện tích được thuê khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

Diện tích mất rừng chưa được xử lý 37,52ha. Đáng chú ý, với 37,52ha các cơ quan chức năng tại địa phương không phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với phần diện tích rừng bị mất trong một thời gian dài.

Trước đây, công trình xây dựng tại địa chỉ số 1 Bis đường Hà Huy Tập (phường 3, TP Đà Lạt) được cấp phép xây 5 tầng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng 7 tầng, tổng diện tích sai phép thời điểm năm 2019 là 800m2. Sau nhiều lần chờ khắc phục hậu quả, cưỡng chế rồi gia hạn. Công trình trên cũng được điều chỉnh để được tồn tại và đưa vào sử dụng…

 Khách sạn tại số 1 Bis đường Hà Huy Tập, phường 3, TP Đà Lạt thời điểm xảy ra sai phạm diện tích lớn

Khách sạn tại số 1 Bis đường Hà Huy Tập, phường 3, TP Đà Lạt thời điểm xảy ra sai phạm diện tích lớn

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương xác minh, xử lý các thông tin báo chí thông tin thời gian qua.

Theo Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn có nêu một số vấn đề liên quan đến chỉ đạo, điều hành của tỉnh Lâm Đồng về quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất đai trên một số địa bàn thu hút sự quan tâm của dư luận…

NINH GIANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-dong-diem-mat-cac-du-an-cong-trinh-sai-pham-post746841.html