Lâm Đồng: Gần 100 ha nhà kính, nhà lưới đã bị tháo dỡ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã tiến hành vận động và cưỡng chế tháo dỡ được 97,77/118,84ha các công trình nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp.
Cụ thể, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tổng diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp cần giải tỏa, tháo dỡ sau rà soát là 118,244 ha. Trong đó, địa phương có diện tích lớn nhất là thành phố Đà Lạt với 73,9806 ha (chiếm 34,25%); huyện Lạc Dương có 24,41 ha (chiếm 11,30%); huyện Đơn Dương 14,74 ha (chiếm 6,82%).
Một số địa phương còn lại có tỷ lệ diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp nhỏ từ 0,35-1,65% toàn tỉnh là huyện Đức Trọng 3,56 ha, huyện Di Linh 0,88 ha và huyện Đam Rông 0,67 ha.
Trước sự phát triển chóng vánh của các công trình nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, giữa năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, TP.Đà Lạt và Bảo Lộc phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý, tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp; Đặc biệt là những rừng thông cảnh quan ven đèo Prenn, đèo Mimosa, dọc cao tốc Liên Khương - Prenn, đường Đà Lạt – Nha Trang (Quốc lộ 27C).
Tiếp đó, trong năm 2022 thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc giải tỏa diện tích nhà kính, nhà lưới quy hoạch trên đất lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đến ngày 31/01/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 178/QĐ-UBND quyết định phê duyệt đề án nêu trên.
Sau khi có những chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, các địa phương trong tỉnh đã bắt tay vào hiện thực hóa công tác vận động tháo dỡ các công trình nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo số liệu báo báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho đến thời điểm này các địa phương trong tỉnh đã vận động tự tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ được 97,77/118,244 ha, đạt 82,69% tổng diện tích phải giải tỏa, tháo dỡ; trong đó, có 4 địa phương đã hoàn thành việc giải tỏa là thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Di Linh và Đam Rông.
2 huyện còn lại chưa hoàn thành là Lạc Dương mới tháo dỡ được 4,66ha, đạt tỷ lệ cần giải tỏa 19%; huyện Đức Trọng tháo dỡ 2,83ha, đạt tỷ lệ gần 80%. Qua đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 647/UBND- LN, đôn đốc huyện Lạc Dương cam kết thời gian hoàn thành việc giải tỏa diện tích nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp.
Theo ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, hoạt động canh tác nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, trước thực trạng phát triển nhanh chóng, thiếu khoa học của hoạt động nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới đã để lại những hệ lụy về môi trường cảnh quan, tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ; hạn chế tính đa dạng sinh học; làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm,….
Trước tình trạng nêu trên, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu chung của đề án, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái quy định trên đất lâm nghiệp; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước; khu vực công trình an ninh, quốc phòng và các công trình khác theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô, nội thị, khu dân cư (các phường trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các thị trấn các huyện lân cận) so với hiện trạng của năm 2022.
Đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt so với hiện trạng năm 2022.
Xác định các vùng được phép sử dụng nhà kính sản xuất nông nghiệp để khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi đảm bảo nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường.