Lâm Đồng gỡ khó để thu hút đầu tư

Có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 3 dự án đầu tư với tổng số vốn 95 tỷ đồng. Khó khăn trong thu hút đầu tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng, cơ hội việc làm và an sinh xã hội của địa phương.

Vắng bóng nhà đầu tư

Con số trên là “kỷ lục” đáng buồn đối với tỉnh Lâm Đồng, nhất là khi so với các tỉnh bạn như Ninh Thuận thu hút được 1.214 triệu USD, Đắk Lắk thu hút được khoảng 4.000 tỷ đồng.

Lý giải về sự vắng bóng các nhà đầu tư mới tại Lâm Đồng, giới chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính là do thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà, phức tạp; hạ tầng giao thông nhiều bất cập, thời gian di chuyển từ Lâm Đồng tới các cảng biển, trung tâm kinh tế lớn còn chậm; quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư quá ít; cơ chế, chính sách thiếu nhất quán, chưa thực sự ổn định...

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt Nguyễn Đình Sơn nhận định: “Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào Lâm Đồng vẫn rất e ngại thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê. Một thủ tục xin cấp phép đầu tư phải qua hết sở này đến sở khác, đến khi hoàn thiện thì dự án cũng gần hết thời hạn. Một trở ngại nữa là quỹ đất của địa phương để thu hút đầu tư quá ít. Tỉnh không quy hoạch được quỹ đất để thu hút nhà đầu tư”.

 Phòng nuôi cấy mô sản xuất giống hoa của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Phòng nuôi cấy mô sản xuất giống hoa của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi Đoàn Văn Tá nêu: “Hiện nay, giá thuê đất ở Lâm Đồng đang ở mức rất cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nếu trước đây giá đất tăng không quá 10% thì hiện nay đã tăng theo giá thị trường khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng; nguồn thu không đủ trả tiền thuê đất thì không thể đầu tư”.

Ngoài những nguyên nhân trên thì một lý do quan trọng khiến nhà đầu tư chưa dám bỏ tiền vào Lâm Đồng chính là do hàng loạt sai phạm của cán bộ chủ chốt thời gian qua, khiến môi trường đầu tư của địa phương bị ảnh hưởng. Sự kiện Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng một số cán bộ cấp sở, ngành, huyện bị bắt, kỷ luật khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

“Rất khó để nhà đầu tư sẵn sàng “móc hầu bao” khi bộ máy lãnh đạo và chính quyền ở địa phương có vấn đề; nhiều cán bộ chủ chốt bị khởi tố, bị kỷ luật. Ít nhất, các nhà đầu tư cũng phải chờ đến khi bộ máy chính quyền ổn định trở lại. Đây không chỉ là tổn thất mà còn là bài học lớn về sự ổn định, vững mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở khi thu hút đầu tư”, một cán bộ tại địa phương chia sẻ.

Khẩn trương gỡ khó

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp vừa qua, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã đặt vấn đề về những trở ngại, khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào Lâm Đồng và chính quyền địa phương cần phải làm gì để thu hút các nhà đầu tư? Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xác định cụ thể thời gian giải quyết, công khai cho doanh nghiệp; tạo niềm tin, động lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đầu tư vào địa phương.

Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm, 4 điều cần tránh”, trong đó 3 điều cần làm là: Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới và làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất. 4 điều cần tránh là: Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả và tránh “an phận thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”.

Bên trong nhà máy xe tơ của Công ty TNHH Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Bên trong nhà máy xe tơ của Công ty TNHH Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tại diễn đàn đầu tư với chủ đề “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư” mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã công bố các dự án ưu tiên thu hút đầu tư, góp phần vào tăng trưởng xanh đối với tỉnh gồm: Bệnh viện đa khoa quốc tế, trường đại học, Khu du lịch quốc gia Đankia-Suối Vàng, dự án chống úng lụt cục bộ, mô hình quảng trường nước tại TP Đà Lạt, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo... Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định: “Tỉnh Lâm Đồng luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật”.

Cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi, tỉnh Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã nâng cấp và công bố sân bay Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế từ tháng 6-2024. Hiện tỉnh đang dồn sức triển khai hai dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140km, kết nối tỉnh Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 18.523 tỷ đồng.

Dự kiến, hai dự án sẽ khởi công vào quý I-2025. Ngoài ra, địa phương đang kêu gọi đầu tư vào tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt có tổng chiều dài khoảng 80km, tổng mức vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng khi các tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ trở thành "thỏi nam châm" thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh và tạo động lực cho địa phương phát triển.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-dong-go-kho-de-thu-hut-dau-tu-807029