Lâm Đồng muốn loại siêu dự án khu đô thị Đại Ninh ra khỏi công trình trọng điểm

Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh có diện tích gần 3.600 ha, tổng vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, đang được Sở Tài chính Lâm Đồng đề nghị loại khỏi danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh này…

Dự án khu đô thị Đại Ninh gần như bao trọn hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án khu đô thị Đại Ninh gần như bao trọn hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét đưa dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Đại Ninh) của Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Sở Tài chính, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang điều tra, kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án này.

Ngày 20/3/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản về việc kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý đối với dự án khu đô thị Đại Ninh. Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định pháp luật hiện hành của Luật Đất đai, Luật Đầu tư về điều kiện và cơ sở pháp lý để thu hồi đất, thu hồi dự án.

Do đó, Sở Tài chính cho rằng cơ sở điều kiện để thực hiện dự án trong nhiệm kỳ 2020-2025 là không khả thi.

Cơ quan này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét đưa dự án ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị công ty Sài Gòn - Đại Ninh khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng tại dự án khu đô thị Đại Ninh.

Cụ thể, dự án khu đô thị Đại Ninh được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000716 (ngày 30/12/2010) cho công ty Sài Gòn - Đại Ninh.

Diện tích thực hiện dự án là 3.595,45 ha, trong đó, diện tích thuê rừng trên 1.000 ha, diện tích mặt nước trên 1.959 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại 04 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ năm 2010 đến 2018 với 06 phân khu chức năng, khi hoàn thành, có quy mô dân số lưu trú thường xuyên gần 20.000 người.

Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho thấy tính đến ngày 11/11/2021, công ty Sài Gòn - Đại Ninh mới đầu tư vào dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, xây dựng được 15 nhà làm việc của chuyên gia, 01 hội trường, 06 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ.

Về diện tích rừng bị mất khi thực hiện dự án này là 257 ha rừng, vào cuối tháng 10/2021, công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã đủ số tiền 18,8 tỷ đồng bồi thường vào ngân sách nhà nước cho diện rừng bị mất, theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND của tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành như đã cam kết; chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chưa hoàn thành dứt điểm công tác trồng rừng trên diện tích mất rừng.

Tại kết luận số 929/KL-TTCP (ngày 12/6/2020), Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất tại dự án của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh.

Tuy nhiên, ngày 08/7/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP (ngày 12/6/2020) về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ lại đề nghị: “UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được duyệt…”.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lam-dong-muon-loai-sieu-du-an-khu-do-thi-dai-ninh-ra-khoi-cong-trinh-trong-diem.htm