Lâm Đồng nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ Chương trình 1719

Sau 2 năm thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều thành quả nổi bật trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, gồm 10 dự án thành phần, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi".

Dự án 8 với 4 nội dung trọng tâm nhằm lo đời sống vật chất, tinh thần bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái tại xã và các thôn đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đối tượng thụ hưởng của Dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao đổi chuyên đề hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông trong thực hiện Dự án 8 - Chương trình MTQG 1719.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao đổi chuyên đề hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông trong thực hiện Dự án 8 - Chương trình MTQG 1719.

Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 huyện với 72 thôn, 32 xã được hưởng lợi từ dự án.

Các mô hình từ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" đi vào hoạt động nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội viên phụ nữ. Qua đó, trở thành chỗ dựa cho phụ nữ bị bạo hành, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Cùng với "địa chỉ tin cậy cộng đồng", Lâm Đồng đã tổ chức được câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tổ truyền thông cộng đồng…. đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của phụ nữ DTTS. Tại các tổ truyền thông cộng đồng có sự tham gia của hầu hết các cán bộ địa phương, người có uy tín trong cộng đồng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, nâng cao vị thế của từng thành viên trong gia đình.

Ngoài bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, hoạt động của Dự án 8 còn tập trung xây dựng các mô hình tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ từ đó góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Nhiều chị em hội viên phụ nữ dân tộc đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Qua gần 2 năm triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao trình độ mọi mặt, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những hoạt động toàn diện của dự án đã tác động từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần quan trọng chăm lo, hỗ trợ phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.

Quang Nhân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-dong-nang-cao-vi-the-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-tu-chuong-trinh-1719-169231115224214304.htm