Lâm Đồng: Nhà vườn nghỉ dưỡng khốn khổ vì mùi xú uế từ trang trại lợn

Nhiều gia đình sinh sống tại khu quy hoạch nhà nghỉ dưỡng tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phải đóng kín cửa nhà, hoặc đeo khẩu trang khi ra ngoài chăm sóc vườn cây.

Trang trại nuôi heo tự phát của 1 hộ dân ở Lâm Đồng trong tình trạng ô nhiễm. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trang trại nuôi heo tự phát của 1 hộ dân ở Lâm Đồng trong tình trạng ô nhiễm. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Do nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có khá nhiều mô hình nuôi lợn lấy thịt hoặc lợn nái cung cấp giống cho các trại lợn khác.

Tuy nhiên, nhiều mô hình trang trại nuôi lợn tự phát đang gây ô nhiễm nặng trong khu vực, khiến người dân bức xúc.

Người dân chật vật "nghỉ dưỡng" trong mùi xú uế

Đặc điểm chung của các trang trại, trại nuôi lợn tự phát gây ô nhiễm môi trường là lượng phân xả ra chứa trong các ao, bể chứa lộ thiên. Mỗi khi trời nắng hoặc mưa xuống là mùi hôi thối nồng nặc bủa vây các khu vực xung quanh.

Tình trạng này ngày gây bức xúc cho người dân sinh sống trong khu vực; đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư, khi Lâm Đồng đang được lựa chọn là điểm đến của các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.

Có mặt tại một khu quy hoạch nhà nghỉ dưỡng tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), phóng viên TTXVN nhận thấy trong cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp, không khí mát mẻ của vùng nông thôn Lâm Đồng, lại xuất hiện mùi xú uế nồng nặc.

 Một địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng bị ảnh hưởng vì gần trại nuôi heo tự phát. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Một địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng bị ảnh hưởng vì gần trại nuôi heo tự phát. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Nhiều gia đình sinh sống tại đây hoặc từ nơi khác đến nghỉ dưỡng ở khu vực này phải đóng kín cửa nhà, hoặc đeo khẩu trang khi ra ngoài chăm sóc vườn cây của gia đình.

Tại 1 căn nhà xây kiểu biệt thự nhà vườn, ông N.V.L, 66 tuổi, cho biết gia đình ông trước ở Bình Dương, giờ đến tuổi nghỉ hưu nên lên đây mua đất xây nhà ở dưỡng già.

Ở thành phố không khí ồn ào, ô nhiễm nên gia đình ông cũng như hàng chục hộ xung quanh, từ nơi khác lên đây để tận hưởng không khí thôn quê yên bình. Tuy nhiên, sinh sống tại đây hơn 1 năm qua, gia đình ông thấy không khí nơi này quá ô nhiễm.

Cứ mỗi khi gió lên, mùi hôi thối lại bốc lên không thể chịu nổi. Khi mới tới, ông tưởng do người dân bón phân, lâu lâu mới bón 1 lần thì không sao, nhưng khi ở lâu mới biết có trại nuôi lợn gần đây, nên mùi hôi thối xảy ra quanh năm, rất khó chịu.

Chính quyền "bất ngờ" trước tình trạng ô nhiễm

Theo tìm hiểu của phóng viên, mùi xú uế bay ra từ phía một khu chuồng trại đóng kín cửa cách khu vực này khoảng 300m.

Chị N.T.Th, 29 tuổi sinh sống nhiều năm gần trại nuôi lợn này cho biết mùi hôi thối xảy ra thường xuyên, nhất là khi có mưa xuống. Bởi trại lợn này xả phân xuống ao phân lộ thiên bên cạnh suối. Mỗi khi mưa xuống sẽ sục nước phân lên, khó chịu vô cùng.

Chủ trại cũng không hề che chắn hay có giải pháp gì để giữ gìn môi trường, cứ để ao phân lộ thiên như vậy từ nhiều năm qua.

 Hố chứa thải từ trại nuôi heo của trại chăn nuôi tự phát để lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Hố chứa thải từ trại nuôi heo của trại chăn nuôi tự phát để lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trại nuôi lợn này là của ông Nguyễn Hữu Cường, do chăn nuôi quy mô nhỏ nên chưa có giấy phép.

Gia đình ông Cường cho biết để bảo vệ đàn lợn đang nuôi trong trại khỏi nhiễm bệnh, nên không thể cho phóng viên vào tham quan khu vực này. Do đó, phóng viên không thể xác định được trại chăn nuôi số lượng ra sao.

Thông tin từ những người trong gia đình cung cấp khá mâu thuẫn, người nói nuôi hơn 100 con; người nói 60 con lợn thịt, nhưng cũng đang chuẩn bị xuất chuồng rồi.

Gia đình ông Cường cho biết đã chăn nuôi thì việc có mùi hôi thối là không thể tránh khỏi. Các trại chăn nuôi trong khu vực này đều như vậy chứ không riêng gia đình ông.

Tiếp nhận thông tin từ phóng viên TTXVN, ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Thanh khá bất ngờ trước thông tin phản ánh về trại nuôi lợn tự phát của ông Nguyễn Hữu Cường.

Ông cho biết trên địa bàn chỉ có 2 trang trại nuôi lợn đã được cấp phép và có hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp. Ủy ban Nhân dân xã vẫn cử người kiểm tra thường xuyên.

Cách đây 2 năm, Ủy ban Nhân dân xã đã 2 lần xử phạt hành chính đối với trang trại của gia đình ông Ngô Văn Giang do mưa lớn, để xảy ra tình trạng nước phân tràn ra môi trường. Sau đó trang trại này đã thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường, nên người dân trong khu vực không còn ý kiến gì.

Ông Đào Văn Tám cho biết, giờ mới nghe phản ánh về trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Hữu Cường và sẽ cử người xuống kiểm tra, xử lý.

Không chỉ có trại nuôi lợn của ông Cường, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra tình trạng các trại nuôi lợn tự phát, bốc mùi hôi thối, gây bức xúc dư luận.

Điển hình là trại nuôi lợn Trường Thịnh Farm (có phép) ở xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻr gây ô nhiễm môi trường từ năm 2015 đến nay, khiến hàng trăm người dân địa phương phải chặn đường không cho doanh nghiệp chở thức ăn gia súc vào trang trại.

Ngày 21/4/2024, trong buổi đối thoại với 60 người dân xóm An Hải, xã Triệu Hải, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Thịnh Farm cam kết tiếp tục tổ chức các biện pháp để giảm thiểu mùi hôi trong vòng 1 tháng, đồng thời trong tháng 7 sẽ xuất hết lứa lợn đang nuôi và không tổ chức chăn nuôi lợn tại trang trại nữa.

Trường hợp trại lợn tự phát của bà Nguyễn Thị Lệ ở phường 2, thành phố Bảo Lộc chăn nuôi quy mô nhỏ từ 100-150 con lợn nái. Sau khi báo chí phản ánh, chủ trại này đã bị Ủy ban Nhân dân Phường 2 xử phạt số tiền 2,5 triệu đồng vào ngày 28/5 vừa qua.

Cùng với việc phạt tiền, Ủy ban Nhân dân Phường 2 cũng yêu cầu bà Lệ di chuyển toàn bộ đàn lợn tại trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt…

Mô hình kiểu mẫu

Tuy nhiên, trong khi nhiều trại nuôi lợn được cấp giấy phép hoạt động, có liên kết với các công ty uy tín với yêu cầu chặt chẽ về quy trình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường thì vẫn xuất hiện những trại chăn nuôi tự phát có quy mô nhỏ, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

 Hồ điều hòa chứa thải của Trại nuôi heo Trường Thịnh Farm phủ lưới làm giảm ô nhiễm mùi ra môi trường. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Hồ điều hòa chứa thải của Trại nuôi heo Trường Thịnh Farm phủ lưới làm giảm ô nhiễm mùi ra môi trường. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Chỉ cách trại nuôi lợn tự phát của ông Nguyễn Hữu Cường khoảng 500m theo đường chim bay là trang trại nuôi lợn của gia đình ông Ngô Văn Giang. Đây là trang trại chăn nuôi lớn có quy mô hàng trăm con, nhưng phóng viên nhận thấy khu vực xung quanh hầu như không có mùi hôi thối.

Gia đình ông Giang cho biết trang trại mở từ nhiều năm qua, được cấp giấy phép hoạt động. Do ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, nên phải chấp hành quy trình nghiêm ngặt của đối tác về đảm bảo chất lượng thịt cũng như cam kết bảo vệ môi trường xung quanh, nếu không sẽ bị hủy hợp đồng.

Toàn bộ khu chuồng trại phải căng lưới chống ruồi, phun thuốc sát trùng cũng như các chế phẩm chống mùi hôi thối; xây dựng các bể chứa phân nhiều lớp… Nhờ thực hiện các quy trình bài bản nên không bốc mùi hôi thối như các trại chăn nuôi nhỏ lẻ, không phép xung quanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-dong-nha-vuon-nghi-duong-khon-kho-vi-mui-xu-ue-tu-trang-trai-lon-post957347.vnp