Lâm Đồng phát huy đại đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp diện mạo nông thôn thay đổi mà còn góp phần chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm và xây dựng cuộc sống mới của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.
Xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số. Cùng với 2 loại cây trồng chủ lực là cà phê và lúa nước, những năm qua, nơi đây đã phát triển thêm hàng trăm ha cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mắc ca, chanh dây, dâu tằm và nhiều diện tích rau màu các loại.
Nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao vào canh tác, đồng thời áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất, doanh thu trên cùng đơn vị diện tích canh tác của Gung Ré đã đạt bình quân gần 150 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 5%.
Theo ông K’Keo, Bí thư chi bộ thôn Hàng Làng, xã Gung Ré, kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thay đổi tích cực cách nghĩ, cách làm của người dân.
“Thôn Hàng Làng là thôn đặc biệt khó khăn, được Đảng, Nhà nước, UBND xã rất quan tâm trong đầu tư, chăm lo đời sống và phát triển kinh tế cho bà con. Từ chỗ tổ chức nhiều lớp tập huấn chỉ vẽ cách thức làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, các tiến bộ KHKT cần áp dụng vào sản xuất… đã giúp bà con thay đổi tư duy trong canh tác. Sau khi bà con áp dụng vào thâm canh đã từng bước đưa năng suất cây trồng tăng cao, nguồn thu nhập giờ đã được tăng lên rất nhiều so với trước. Trong quá trình vận động xây dựng nông thôn mới, thì bà con đã đồng lòng với chính quyền xã làm sạch con đường, vào ngày thứ bảy hằng tuần bà con tập trung thu dọn rác và trồng cây bên đường để làm cho buôn làng xanh, sạch, đẹp", ông K’Keo nói.
Còn với già làng Đơng Gur Ha Lơng, ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), từ ngày được hưởng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt của vùng dân tộc thiểu số Đạ Đờn đã có sự thay đổi lớn. Không chỉ điện, đường, trường, trạm được đầu tư đúng mức, ý thức tự lực vươn lên của bà con trong buôn làng cũng có sự đổi thay tích cực. Nhà nào cũng chịu khó làm ăn, nâng cao đời sống kinh tế gia đình và chung tay cùng cộng đồng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Ở thôn Đam Pao chúng tôi có nhiều anh em dân tộc cùng chung sống, như người K’ho Cil, K’ho Sre, K’ho R’Yồng, người kinh... nhưng bà con luôn có sự đồng lòng, đoàn kết để cùng nhau phát triển buôn làng ngày một tốt hơn. Bà con chung tay góp sức làm đường, nước sinh hoạt, đèn chiếu sáng. Tôi là già làng nên càng phải đứng ra vận động bà con chung lòng đoàn kết, cùng chí hướng tiến lên xây dựng kinh tế của buôn làng, cũng như sự đoàn kết giữa các tôn giáo chính trong buôn như công giáo, tin kành và phật giáo”, già làng Đơng Gur Ha Lơng tự hào, nói.
Cùng với sự quan tâm, ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư, chính sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp nhiều vùng dân tộc thiểu số từng bước vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế và ổn định chính trị.
Điển hình là xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nhận thấy việc liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị hàng hóa là xu thế tất yếu, chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt nhịp và vận động bà con tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ đó, tình trạng “được mùa mất giá” được khắc phục, doanh thu trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác đạt bình quân 255 triệu đồng/ha/năm.
Toàn xã hiện có gần 800 hộ tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, củ, quả các loại với nhiều công ty, doanh nghiệp và HTX, trong đó có 87% có ký kết hợp đồng sản xuất theo hướng bền vững.
Theo ông Liêng Hót Ha Huyền, Bí thư chi bộ thôn Rchai 2, nhờ thay đổi nhận thức trong định hướng canh tác, chú trọng đến yếu tố thị trường và quy luật cung - cầu, nông sản làm ra đều bán với giá tốt nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên thấy rõ. Kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc càng thêm bền chặt. Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
“Việc xây dựng nông thôn mới để đạt kết quả như ngày hôm nay đó là nhờ sự đồng lòng, đồng tâm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Phần lớn người dân ở Rchai 2 là dân tộc thiểu số, để người dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường thì công tác vận động rất quan trọng, các già làng, người có uy tín, hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay đối với đường bê tông hóa thì gần như đã hoàn thành, khang trang”, ông Liêng Hót Ha Huyền chia sẻ.
Đến hết năm 2023, tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 41 xã nông thôn mới nâng cao và 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cộng với sự đoàn kết nhất trí và tham gia hưởng ứng tích cực từ phía người dân, tin chắc rằng tỉnh Lâm Đồng sẽ về đích nông thôn mới trước năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra.