Lâm Đồng: Số dự án cấp mới ngoài ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ
So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới ngoài ngân sách ở Lâm Đồng giảm 13 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 16.812,9 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 256,1 ha.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo tình hình thu hút, triển khai dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách năm 2023, gửi HĐND tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 27/11/2023, toàn tỉnh có 13 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 2.443,2 tỷ đồng, quy mô diện tích 113,3 ha. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới giảm 13 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 16.812,9 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 256,1 ha.
UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.886,1 tỷ đồng, quy mô diện tích 99,7ha. So với năm 2022, số dự án được chấp thuận mới giảm 12 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 17.309,1 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 401,1 ha.
Dự kiến đến hết năm 2023, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 3 dự án, nâng tổng số dự án được cấp mới trong năm 2023 là 16 dự án, với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 16.461 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình triển khai thu hút đầu tư năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực, công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật (đã lựa chọn được 14 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 15.031,7 tỷ đồng).
Tiến độ triển khai một số dự án có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tồn tại từ nhiều năm trước được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ.
Các dự án ngoài ngân sách đã và đang triển khai thực hiện đã góp phần xây dựng và phát triển hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã đến tìm hiệu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng dân cư, khu du lịch dịch vụ; một số dự án lớn đã được lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện. Địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát một số dự án kêu gọi đầu tư và các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Lâm Đồng tiến hành ký kết 50 Biên bản ghi nhớ và Hợp đồng nguyên tắc.
Tuy vậy, công tác thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; số lượng dự án được quyết định chủ trương đầu tư còn thấp; một số lĩnh vực chưa thu hút được nhà đầu tư như du lịch, nông nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được dự án cấp mới.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ; chậm hoàn thành đưa vào hoạt động, dẫn đến mức độ đóng góp cho tăng trưởng thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra, không phát huy hiệu quả đầu tư.
Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tổ chức thu hút, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.