Lâm Đồng: Tiềm ẩn TNGT từ tiếng còi hơi
Xe tải chở hàng trên QL20 đua nhau lắp còi hơi, gián tiếp tiềm ẩn TNGT. Chỉ trong 10 ngày CSGT Lâm Đồng đã xử lý hơn 100 trường hợp.
Lắp còi hơi vì muốn kịp thời gian chở rau xuống Sài Gòn
Hơn 1 tuần, Trạm CSGT Mađaguôi (Phòng CSGT Công an Lâm Đồng) kiểm tra, xử lý 100 trường hợp các phương tiện sử dụng còi hơi, bộ kích âm, gần như 100% là xe tải chuyên chở nông sản.
Những chiếc còi hơi thường được lắp sai quy định trên nóc xe
Trao đổi với PV Báo Giao thông, tài xế Nguyễn Văn Thành, cho biết: “Chúng tôi chuyên chở rau, chở hoa từ Lâm Đồng xuống chợ đầu mối Tp. Thủ Đức (TP.HCM). Chúng tôi phải thực hiện thời gian vận chuyển đúng theo yêu cầu của chủ hàng. Thường ngày khoảng 10h sáng đi đến các vườn để gom rau, đến chiều tối mới gom đủ 1 xe tải khoảng 16 đến 20 tấn rau. Tuy nhiên, khoảng 22h đêm đến 2h sáng hôm sau chúng tôi phải chở rau xuống đến được chợ đầu mối Thủ Đức, để giao hàng. Sau đó, chúng tôi lại tức tốc chạy lên Lâm Đồng cho kịp 10h sáng sau đi gom rau tiếp.
Mỗi chuyến rau giá cước từ 5,5 đến 6 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí chúng tôi còn khoảng 2,5 triệu đồng, chưa tính chi phí hao mòn xe.
Với tuyến đường 350km xe tải chở rau chỉ được phép chạy tầm 6 tiếng, chúng tôi phải tranh thủ chạy nhanh trên QL20, vì sợ nhất là khi kẹt xe đầu TP.HCM.
Bởi vậy, khi đến đoạn đường qua các trung tâm đô thị, thị trấn phương tiện xe qua lại nhiều, nhất là xe máy, chúng tôi dùng còi hơi để người dân chạy xe máy sợ, nhanh chóng dạt vào sát lề đường cho chúng tôi vượt.
Nhất là đoạn đường đèo Bảo Lộc, nhiều xe tải nặng chạy chậm như rùa bò, buộc chúng tôi phải vượt. Và lúc đó chúng tôi bấm còi hơi thật lớn, các xe khác đi trước phải đi sát lề cho xe tôi vượt. Những xe đi chiều khuất tầm nhìn, nghe tiếng còi hơi cũng phải chủ động đi đúng phần đường để chúng tôi đi”.
Còi hơi nguyên nhân gián tiếp gây TNGT trên đèo Bảo Lộc
Theo báo cáo của Ban ATGT Lâm Đồng, quý 1/2022 toàn tỉnh xảy ra 30 vụ TNGT, làm 19 người chết, 20 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 7 vụ (30/37), giảm 7 người chết (19/26), người bị thương không tăng không giảm (20/20). Tuy nhiên có đến 40% số vụ TNGT do lấn làn đường. Trong đó rất nhiều vụ TNGT trên đèo Bảo Lộc do vượt chạy nhanh vượt ẩu, lấn làn đường.
Một số xe tải lắp còi hơi sai quy định dưới gầm xe
Đơn cử, Khoảng 12h30' ngày 17/1 tại Km 105, Quốc lộ 20 (đoạn qua đèo Bảo Lộc, xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 4 xe ô tô khiến 4 người bị thương.
Vào thời điểm trên, xe đầu kéo do tài xế Hoàng Đình Quang (37 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức, TP. HCM) đang đổ đèo Bảo Lộc theo hướng TP. Đà Lạt - TP.HCM. Khi chiếc xe chạy đến địa điểm trên, do đi nhanh bất ngờ bị lật khiến thùng xe văng trúng xe tải đông lạnh do tài xế Phan Chí Cường (28 tuổi, ngụ tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) điều khiển đang lưu thông theo hướng ngược lại.
Chưa dừng lại, xe đầu kéo tiếp tục trượt dài về phía trước rồi lao vào xe khách do tài xế Nguyễn Trí Tuấn (45 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) điều khiển đang lên đèo Bảo Lộc (đi phía sau xe tải đông lạnh). Lúc này, xe ben do tài xế Nguyên Thế Sử (48 tuổi, ngụ huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) điều khiển lưu thông phía sau không kịp xử lý đã tông vào xe khách. Vụ tai nạn khiến giao thông trên đèo Bảo Lộc ách tắc cả 2 chiều, các phương tiện nối đuôi kéo dài gần 10km.
Từng làm nhiệm vụ TTKS nhiều năm trên đoạn đèo Bảo Lộc, một lãnh đạo Phòng CSGT Lâm Đồng phân tích, những xe tài lắp còi hơi, ỉ lại tiếng còi inh ỏi, phóng nhanh, vượt ẩu. Khi không xử lý kịp thì gây TNGT. Tuy nhiên, phân tích tiếng còi là nguyên nhân chính gây ra TNGT thì không đủ căn cứ. Vì âm thanh vô hình, khi lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường chẳng tài xế nào dại gì khai rằng họ bấm còi to để chạy nhanh cả.
Xử lý triệt để tài xế lắp còi hơi sai quy định
Trung tá Phạm Văn Chi, Phó Trạm Cảnh sát giao thông Madagui, cho biết: Xác định còi hơi là một trong những nguyên nhân khiến tài xế chủ quan, chạy nhanh gây TNGT, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Phòng CSGT, từ ngày 14/3, đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các loại phương tiện sử dụng còi hơi lưu thông trên QL20. Công tác tuần tra, xử lý được cán bộ, chiến sĩ triển khai liên tục mỗi ngày 3 ca.
Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn phương tiện sử dụng còi hơi là xe tải chở nông sản, xe đầu kéo và xe ben chở vật liệu xây dựng. Trong đó, nhiều phương tiện còn gắn còi dưới gầm xe, bên cạnh thùng hơi hay hộp chứa phụ tùng để qua mặt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện tại, do đơn vị thiếu các trang thiết bị đo âm lượng nên việc xử lý cũng mới dừng lại ở việc truyên truyền nhắc nhở và yêu cầu các tài xế, chủ phương tiện chấp hành việc tháo bỏ còi hơi theo quy định; đồng thời, buộc các chủ phương tiện và tài xế ký cam kết không tái phạm.
Tất cả những tài xế khi được nhắc nhở đã tự nguyện tháo dỡ còi hơi
Trong thời gian từ ngày 14 đến 24/3, lực lượng CSGT Trạm Madagui đã yêu cầu hơn 100 phương tiện là xe tải, xe đầu kéo và xe ben buộc chấp hành tháo bỏ còi hơi và các bộ kích âm thanh theo quy định. Toàn bộ còi hơi mà các chủ phương tiện, tài xế tháo bỏ đều được lực lượng cảnh sát giao thông thu giữ để tiêu hủy theo quy định.
Theo Trung tá Phạm Văn Chi, việc sử dụng còi hơi của các phương tiện không chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các vụ TNGT, mà còn gây ảnh hưởng tới người dân sống hai bên QL20, đặc biệt là vào ban đêm. Tới đây, đơn vị sẽ đề xuất Công an tỉnh trang bị các thiết bị đo âm thanh để xử lý nghiêm các phương tiện sử dụng còi hơi, bộ kích âm thanh. Đồng thời, Trạm CSGT Madagui sẽ xây dựng kế hoạch để ra quân xử lý các loại phương tiện lắp đặt, sử dụng các loại đèn pha siêu sáng làm thay đổi kết cấu của nhà sản xuất. Qua đó, góp phần kéo giảm tai nạn đảm bảo an toàn giao thông trên QL20.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/lam-dong-tiem-an-tngt-tu-tieng-coi-hoi-d547025.html