Lâm Đồng: Vụ việc hàng chục căn biệt thự trái phép dưới góc nhìn chuyên gia
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc hàng chục căn biệt thự xây trái phép tại xã Lộc Thành tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý, nguyên nhân chính là xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.
LỜI NÓI ĐẦU
Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.
Vì vậy, quá trình phát triển cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường. Việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển kinh tế xanh.
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm phạm rừng để xây các dự án, công trình mà quên mất tác động môi trường của các dự án đó. Thậm chí, nhiều dự án còn xây dựng trái phép ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Trách nhiệm của địa phương đến đâu?
Như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin trong bài viết “Lâm Đồng: Hàng chục căn biệt thự xây trái phép”, trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra vụ việc hàng chục căn biệt thự xây dựng trái phép. Điều đáng nói, dù chính quyền đã phát hiện vụ việc từ tháng 5/2023, thế nhưng đến nay các công trình này vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính và ngang nhiên tồn tại. Điều này đã khiến dư luận bức xúc và đặt ra nhiều nghi vấn liên quan.
Về vụ việc này, theo báo Lâm Đồng, ngày 3/4, ông Trương Hoài Minh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã ký các quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đỗ Ngọc Cần – Chủ tịch UBND xã Lộc Thành và Trần Ngọc Hoàn – công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Lộc Thành.
Các quyết định nêu rõ lý do, đối với ông Đỗ Ngọc Cần tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng do để xảy ra vụ việc xây dựng một số căn nhà biệt lập không phù hợp quy hoạch xây dựng tại khu vực thôn 10A, xã Lộc Thành.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường về vụ việc nêu trên, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khi nhận được thông tin phản ánh về hành vi xây dựng trái phép hàng chục căn biệt thự, UBND xã Lộc Thành nhiều lần lập biên bản yêu cầu chủ các công trình dừng thi công, đồng thời có báo cáo gửi UBND huyện Bảo Lâm để có phương án xử lý theo quy định là đúng với thẩm quyền, chức năng của UBND xã.
Tuy nhiên, sau đó một thời gian dài, những công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại và chưa được xử lý là xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thực hiện quy định pháp luật “chưa đến nơi đến chốn” của UBND xã Lộc Thành.
“Rõ ràng ngay khi phát hiện sự sai phạm, UBND xã Lộc Thành đã có công tác kiểm tra, giám sát và lập biên bản yêu cầu dừng việc thi công là đúng. Nhưng khi chủ đất có hành vi tiếp tục vi phạm thì UBND xã Lộc Thành cần phải có nhiều cách xử lý quyết liệt như: tiếp tục lập biên bản, báo cáo cấp trên là UBND huyện Bảo Lâm để ban hành quyết định xử lý ngay từ đầu, cương quyết cưỡng chế.
Vụ việc kéo dài từ tháng 5/2023 cho tới nay, gần 1 năm trời xảy ra hành vi vi phạm mà công trình vi phạm không bị xử lý có phần trách nhiệm của UBND xã Lộc Thành và UBND huyện Bảo Lâm”, Luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Bên cạnh đó, Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trước đó cũng đã xảy ra hàng loạt vụ vi phạm về trật tự xây dựng tại các công trình lớn, gây xôn xao trong dư luận. Qua đó, rất nhiều các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng công trình, biệt thự không có giấy phép đã xử phạt, xử lý sai phạm. Tuy nhiên, cũng tồn tại không ít các trường hợp sau khi bị phạt tiền, các cá nhân, doanh nghiệp bằng một cách nào đó lại được “ưu ái” cho phép hợp thức hóa sai phạm bằng cách xác định nghĩa vụ tài chính.
Nghị định 16/2022/NĐ-CP ban hành ngày 28/01/2022 xác định rất rõ các chế tài xử lý sai phạm về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, quy định chi tiết trường hợp nào thì có thể hoàn thiện hồ sơ giấy phép trong thời hạn hay trường hợp nào buộc tháo dỡ công trình trái phép. Nhưng thực tế có nhiều vụ việc sai phạm lại không được xử lý triệt để hoặc chỉ xử lý một cách qua loa.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm, kiên quyết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sai phạm nào thuộc trường hợp có thể hoàn thiện giấy phép thì nghiêm túc thực hiện và rà soát, sai phạm nào thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ thì phải phá dỡ. Không được có bất kỳ trường hợp nào “ưu ái”, áp dụng sai lệch tinh thần của pháp luật để nhằm tạo đà cho sự vi phạm về xây dựng của các cá nhân, doanh nghiệp.
“Không thể nào cứ sai phạm, xây dựng không phép rồi lại “nộp phạt”, “hoàn thành nghĩa vụ tài chính” là công trình được phép tồn tại. Nếu không nghiêm trị, răn đe các hành vi vi phạm như một sự thách thức pháp luật này, thì đây sẽ là những tiền lệ xấu trong công tác quản lý xây dựng và tình trạng các công trình sai phép, trái phép sẽ tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều”, Luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.
Kiên quyết xử lý các sai phạm
Lâm Đồng là địa phương có nhiều đồi núi, địa hình thuận lợi để xây dựng những công trình có view đẹp, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thực trạng đào núi, san đồi để xây dựng trái phép, sai quy hoạch không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xây dựng địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài sản, con người bởi những vụ lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Liên quan đến vấn đề san gạt đất nông nghiệp, trật tự xây dựng, thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết, xử lý trên tinh thần “không có vùng cấm”.
Cụ thể, ngày 10/08/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8232/KH-UBND ngày 15/11/2021 về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 16/12/2020 và Văn bản số 2976/UBND-GT ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra, theo dõi, nhiều sở, ngành và địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng sau quy hoạch chưa đạt hiệu quả, tình trạng xây dựng công trình không phép, trái phép, sai quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền trái quy định...
Dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong công tác trật tự xây dựng, quản lý đô thị nhưng hiện nay ở một số địa bàn vẫn tồn tại những hoạt động vi phạm thuộc lĩnh vực này, thậm chí ở một số nơi những hành vi vi phạm được thực hiện công khai nhưng lại không được kịp thời xử lý, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển chung của địa phương.
Vừa qua, ông Nguyễn Thái Học Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành giải thích, làm rõ các vấn đề tồn tại trong quý I như: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc; công tác thu hút đầu tư nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể tăng; vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; những vấn đề báo động trong khai thác tài nguyên khoáng sản ở những địa bàn cụ thể trong tỉnh…
Đặc biệt, để giải quyết những vấn đề nóng, nổi cộm đang được quan tâm như hạn hán, phá rừng, quản lý sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản,… Quyền Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương đơn vị có liên quan phải có báo cáo, giải đáp cụ thể, tìm ra phương án tối ưu để xử lý không thể để vướng mắc kéo dài.
Đối với những tồn tại trên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, ông Nguyễn Thái Học cũng đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chỉ ra những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính đội ngũ cán bộ.
Chế tài xử lý vi phạm xây dựng được quy định rất cụ thể
Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, các chế tài, phương án xử lý đối với hành vi vi phạm về xây dựng đã được pháp luật quy định rất cụ thể. Nhưng chính việc quản lý còn lỏng lẻo và xử lý không “nghiêm minh” của các cấp cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Mục đích của người vi phạm là tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình sai phạm được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp. Nếu công trình trái phép vẫn được tồn tại, chỉ bị xử phạt hành chính và nộp tiền là sẽ được hợp thức hóa sai phạm thì chẳng khác gì cứ có tiền là mọi sai phạm sẽ đều được giải quyết, khi đó sẽ càng có nhiều sự ra đời của các công trình xây trái phép, không phép vẫn tồn tại.
Ngược lại chính quyền địa phương ngay từ đầu có những sự cứng rắn, cương quyết đình chỉ thi công phần xây dựng trái phép, yêu cầu phá dỡ phần công trình vi phạm thì chắc chắn những mục đích của người vi phạm sẽ không đạt được, sẽ không còn tình trạng vi phạm và hợp thức hóa bằng hình thức khác.