Lạm dụng 'chữa lành', đừng hời hợt với tâm hồn mình

Ai cũng có thể bị tổn thương và cần được hàn gắn bất cứ lúc nào, đó là lý do thuật ngữ 'chữa lành' (healing) trở thành từ khóa được quan tâm đặc biệt. Nhưng cũng vì sự lạm dụng cụm từ này khiến nhiều người trẻ thực sự tin rằng vài giải pháp dễ dàng và chớp nhoáng có thể giải quyết những nỗi đau phức tạp và lâu dài.

“Chữa lành” nhanh, dễ và mù quáng

Từng chọn 2 công việc tự do để tránh căng thẳng vì môi trường công sở, chị L.A. (23 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TPHCM) vẫn phải quyết định tham gia làm nhân viên tiệm gốm để “chữa lành”. Mỗi tháng tốn khoảng 15 ngày làm việc với mức thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng chị L.A. vẫn vui vẻ chấp nhận: “Trừ các khoản chi phí như tiền xe đi lại, tiền ăn uống... thì sau nửa tháng làm việc chỉ còn dư khoảng 200.000 đồng. Vì thế, tôi chỉ xem công việc này như một biện pháp chữa lành tâm trạng".

Chán công việc đến mức… chán luôn cả đường đi làm, chị B.N. (30 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) tâm sự: “Bạn có tin là tôi nản cái nghề mình làm đến mức không thể uống ly cà phê bán gần chỗ làm, mỗi sáng phải đánh một vòng đường khác thật xa vì muốn né tránh việc phải vào làm”. Để "chữa lành", chị N. chọn staycation, một hình thức thuê khách sạn, du lịch trong chính thành phố mình ở. Chị muốn có cảm giác những ngày cuối tuần có thể đi chơi thâu đêm, ghé bar, pub, ăn uống thả ga mà không cần giải thích với người nhà; muốn ở khách sạn, ngắm thành phố từ một góc nhìn sang chảnh hơn, không nghĩ về bất cứ gì khác ngoài tận hưởng hiện tại...

 Làm gốm, một loại hình thư giãn tức thời nhưng được nhiều bạn trẻ tìm đến với nhu cầu làm lành “bền vững”

Làm gốm, một loại hình thư giãn tức thời nhưng được nhiều bạn trẻ tìm đến với nhu cầu làm lành “bền vững”

Cứ đến cuối tuần, nhiều bạn trẻ cùng nhau mặc quần áo đẹp, lỉnh kỉnh các loại đèn hỗ trợ quay chụp, chân máy đến các workshop để được “chữa lành” (thường có phí khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy bộ môn). Khi được hỏi, các bạn đều khẳng định đến đây nghiêm túc với mục đích được chữa lành tâm hồn sau 1 tuần làm việc nhiều âu lo, bất mãn. Nắm bắt được tâm lý này, hiện các dịch vụ trải nghiệm nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, làm đồ thủ công…), thậm chí kinh doanh quần áo đẹp, làm nail… đều tự gắn cho mình mác “chữa lành” dựa trên sự thoải mái nhất thời người tham gia có được khi sử dụng dịch vụ.

Theo ThS Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, thì việc vẽ, thiền, nghe podcast… sẽ được xem là một trong những liệu pháp tâm lý nếu được hỗ trợ bởi các chuyên gia tâm lý sau khi đã đi qua một loạt các phiên tham vấn. Còn nếu người trong cuộc tự thực hiện các hoạt động đó thì chỉ được xem như một hình thức thư giãn, nghỉ ngơi.

Bỏ quên bản chất vấn đề

Tốn khá nhiều tiền cho các chuyến staycation, thế nhưng vui được cuối tuần, đến sáng thứ hai lại chán nản như cũ, chị B.N. nói: “Tôi nhận ra là mình phải tìm ra bản chất vấn đề, giải quyết đúng vào đó. Tôi tâm sự với mẹ, tìm ra chính xác lý do mình chán làm là không vừa ý với cách làm việc của đồng nghiệp. Mẹ tôi tư vấn: chọn tiếp tục làm thì phải chấp nhận, không chấp nhận thì dứt khoát tìm việc khác”.

Chị N. chọn chấp nhận những việc ngoài tầm kiểm soát của bản thân và mỗi ngày đi làm với tâm thế nhẹ nhàng hơn vì biết đó là quyết định của mình. Các hoạt động giải trí vốn bản chất là để vui chơi, thư giãn, mục tiêu là để đem lại sự thoải mái nhất thời nếu được tổ chức đảm bảo chất lượng. Việc gắn thêm mác "chữa lành" đại đa số chỉ nhằm thu hút những khách hàng ham mê những vấn đề thời thượng (đu trend), nhất là người trẻ.

Trên thực tế, nhiều hoạt động chữa lành lại ẩn chứa nguy cơ "gây bệnh" như làm gốm, vẽ tranh, thêu thùa... rất dễ gây thất vọng cho người tham gia, bởi để giỏi những bộ môn này cần sự luyện tập lâu dài chứ không phải chỉ vài tiếng là vẽ được tranh, thêu đẹp, hay làm được sản phẩm gốm phù hợp ngay ngày đầu như các quảng cáo rêu rao. Đáng nói hơn, theo ThS Phan Thị Cẩm Giang, tùy tình trạng của vấn đề mà các môn giải trí có giải quyết được tận gốc hay không.

Ngoài ra, chọn chữa lành bằng cách nào còn tùy thuộc vào khả năng nhận thức vấn đề của từng người. Nếu không cẩn thận có thể thành “chữa mãi không lành” do sử dụng quá liên tục và lệ thuộc vào một vài phương pháp. Đó là lý do chữa lành không đơn giản như cách các quảng cáo làm giới trẻ lầm tưởng, mà cần người có chuyên môn hỗ trợ đi kèm với sự nỗ lực tích cực chữa trị của người trẻ để giải quyết những vấn đề không hài lòng trong cuộc sống của chính mình.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-dung-chua-lanh-dung-hoi-hot-voi-tam-hon-minh-post743038.html