Làm fashionista giống Châu Bùi có sướng như bạn nghĩ?
Khi trở thành fashionista chính hiệu, bạn có thể xuất hiện ở hàng ghế đầu của các nhà mốt quốc tế hay được trả thù lao cho mỗi bài viết đăng tải trên trang cá nhân.
Cuối năm 2019, Châu Bùi từng chia sẻ với Zing.vn về những định hướng trong tương lai. Theo đó, 9X có sự đúc kết nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi để người đối diện có cái nhìn khác về mình: "Nếu làm fashionista sướng đến thế, tôi sẽ bảo cả nhà theo nghề".
Vậy fashionista là gì và khi trở thành tín đồ thời trang mang tầm ảnh hưởng có sung sướng, giàu sang như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ?
Fashionista là gì?
Danh từ fashionista (hay fashionisto - dành cho nam giới) có thể hiểu là những người mặc đẹp, biết nhìn nhận thời trang theo con mắt nghệ thuật và luôn bắt kịp xu hướng trên thế giới.
Blogger thời trang và fashionista là những nghề nghiệp mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là nghề có tốc độ phát triển nhanh chóng, xác lập vị thế quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang quốc tế.
Thế giới blogger và fashionista mở ra "cánh cửa" cho phép người bình thường cũng có thể tham gia, sau đó nắm giữ vị trí quan trọng trong làng mốt nếu họ thật sự có tài năng và niềm đam mê.
Chia sẻ trên tạp chí Harpers Bazaar, biên tập viên thời trang Robin Givhan cho biết: "Sự nổi lên của blogger, fashionista dần xóa bỏ định kiến của thế giới thời trang vốn chỉ được thống trị bởi các nhà thiết kế tài năng và sự 'dân chủ hóa' trong xã hội".
Kiếm tiền từ danh xưng fashionista
Tài năng và khả năng phối đồ thời thượng đi kèm tư duy sáng tạo khác biệt đã giúp dàn fashionista từ những tên tuổi vô danh nhanh chóng vươn lên thành khách mời V.I.P "chiếm" hàng ghế đầu tại show diễn quốc tế. Đương nhiên, vị trí danh giá này không phải người mẫu xinh đẹp hay nhà thiết kế nào cũng vinh dự có được.
Việc trở thành fashionista được nhiều người săn đón sẽ mang về những hợp đồng quảng cáo giá trị, bằng cách liên kết với thương hiệu thời trang lẫn cửa hàng bán lẻ.
Không chỉ thế, mỗi bài đăng tải trên trang cá nhân của họ có thể thu về số tiền nhiều hơn mức lương của những người thu nhập bình thường. Ngoài ra, các cô nàng có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội còn được nhãn hàng dành tặng sản phẩm trong bộ sưu tập mới. Đây là sự cộng sinh lẫn nhau, khi fashionista là người có cơ hội sử dụng đồ hiệu, còn nhãn hàng được quảng cáo sản phẩm đến gần hơn với công chúng.
Đơn cử như dàn fashionista, fashion blogger tên tuổi Chiara Ferragni, BryanBoy, Yoyo Cao từng mang về loạt hợp đồng quảng cáo trị giá hàng tỷ đồng với các thương hiệu lớn như Gucci, Swarovski, Longines, Topshop, Mango... và sự xuất hiện trên bìa không ít tạp chí danh giá.
Cái giá của những món quà
Mọi thứ chỉ là 3 phần bề nổi của tảng băng trôi và 7 phần chìm còn lại mới là điều đáng bận tâm. Trở thành fashionista danh tiếng đồng nghĩa với việc bạn phải luôn là người am hiểu kiến thức thời trang và bắt kịp xu hướng trên thế giới. Không đơn giản chỉ là mặc một bộ đồ đẹp, chụp vài tấm hình đăng trên Instagram là có thể trở thành fashionista.
Ngành nghề này rất dễ đào thải và kiến thức là thứ giúp các tín đồ thời trang luôn khác biệt so với người khác. Không chỉ thế, để trở thành người có tầm ảnh hưởng, bản thân bạn không được phép mặc xấu cũng như luôn bị áp lực xoay quanh chữ "đẹp". Nếu không thể chịu đựng được điều này hay lời phê bình của người khác về gu ăn mặc của mình, bạn chắc chắn chưa sẵn sàng để trở thành fashionista chính hiệu.
Trước khi được nhãn hàng tặng đồ vào mỗi tháng, bạn đã phải bỏ ra số tiền lớn để sắm sửa hàng hiệu, nhằm chứng tỏ cho họ thấy phong cách thời trang cá nhân phù hợp hình ảnh của hãng đang hướng đến.
"Đúng là chúng tôi luôn được các nhà mốt nhờ diện trang phục chụp hình và đăng bài. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng kết thúc, tất cả sản phẩm đều phải được gửi trả nguyên vẹn. Một độc giả thông minh sẽ biết đâu là trang phục tài trợ và thứ nào được fashionista mua" - blogger Aimee Song chia sẻ.
Đó là lý do vì sao tín đồ thời trang thực thụ luôn phải tự đi mua sắm quần áo, phụ kiện. Điều đó không những giúp xây dựng gu thời trang riêng biệt, mà còn đảm bảo tính trung thực với bạn đọc và thể hiện khả năng của mình.
Ngoài ra, đối với những món quà được thương hiệu tặng, một số fashionista không hề thích sử dụng, bởi đó là vật phẩm được gửi cho nhiều người cùng lúc. Vì thế, fashionista chân chính muốn tạo dựng phong cách riêng không thể nào liên tục diện trang phục giống "đối thủ".
Bryanboy từng chia sẻ mức chi phí để trở thành fashionista, fashion blogger trên trang cá nhân: "Tuần lễ thời trang là thời điểm chúng tôi tốn nhiều tiền nhất. Mọi người vẫn lầm tưởng các thương hiệu chi trả mọi chi phí di chuyển, ăn ở và sinh hoạt suốt fashion week. Điều đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi không thể nào quên được tuần lễ thời trang đầu tiên trong cuộc đời mình. Khi đó, bản thân phải ở nhờ nhà bạn tại Milan (Italy) vì không đủ ngân sách cho việc thuê phòng khách sạn".
"Đến tận bây giờ khi tham dự tuần lễ thời trang, tôi thường thuê căn hộ chung cư gồm 3 phòng ngủ và ở chung với các fashion blogger khác. Như thế, chúng tôi sẽ có đủ không gian riêng cho toàn bộ nhân viên và đồ đạc đi kèm. Chưa kể là phải thêm tiền sử dụng mạng Internet với con số không hề nhỏ để cập nhật tin tức từ sàn diễn và liên lạc nhãn hàng".
Nhiếp ảnh gia thời trang Phil Oh - người đứng sau trang Streetpepper - chia sẻ rằng trung bình mỗi năm, anh phải bay gần 170.000 km và sống ở khách sạn nhiều hơn tại nhà. Theo đó, di chuyển chiếm phần rất lớn trong các hạng mục chi tiêu của anh.
Với cô nàng Châu Bùi, việc thành công và tầm ảnh hưởng của danh xưng fashionista còn đến từ e-kip chuyên nghiệp đứng đằng sau. Tiền chi trả mỗi tháng cho những người này có thể khiến bạn cảm thấy áp lực hơn nhiều thứ khác.
Sau hàng loạt khoản chi tiêu không nhỏ, đâu là những gì còn lại cho danh xưng fashionista? Tuy nhiên, việc có thể thực hiện điều mình thích, được công nhận và sự yêu mến từ cộng đồng vẫn là mục tiêu cao nhất mà mọi tín đồ thời trang vẫn luôn khát khao và vươn đến.