Làm gì để bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp Tết Ất Tỵ 2025?
Ngày 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững.
Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội nghị, hiện tổng số lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng gia tăng.
Chính những nỗ lực, kết quả này đã giúp đưa ngành chăn nuôi của Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến tháng 7/2024 đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi lợn hiện tập trung nhiều nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%).
Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai… Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng đàn lợn liên tục được duy trì, hiện đạt tổng đàn hơn 1,48 triệu con.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2024, Việt Nam xuất khẩu được 6,19 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với quý I/2024; so với quý II/2023 tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá.
Cùng với tăng trưởng về tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng có sự gia tăng. Năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của cả nước đạt trên 4,8 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm 2022. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn đạt gần 2,54 triệu tấn (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh năng lực sản xuất có quy mô ngày một phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì nhập khẩu thịt lợn nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 128.700 tấn (trị giá hơn 203 USD).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI. Hiện giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh
Tuy nhiên, theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động, dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và những xu thế này sẽ tác động đến ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu muốn phát triển bền vững.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy cấp, bệnh lợn tai xanh... gây thiệt hại cho chăn nuôi lợn trên thế giới thì việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cần thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi cần đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần phải sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Ông Phùng Đức Tiến cho hay, những năm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT. Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Đáng chú ý, người chăn nuôi cần phải chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ đàn lợn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường thịt lợn. Sự ủng hộ và tin tưởng vào các sản phẩm thịt lợn trong nước không chỉ giúp kích cầu mà còn tạo động lực cho người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong bức tranh chung của ngành chăn nuôi, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm này đạt 240 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, chiếm phần lớn là các sản phẩm thịt chế biến, tiếp đến là thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…