Làm gì để cân đối dinh dưỡng, tránh ngộ độc ngày tết

Phối hợp thực phẩm thế nào để bảo đảm cân đối dinh dưỡng, tránh ngộ độc ngày tết là điều được nhiều bà nội trợ quan tâm. Dưới đây là những tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng thực phẩm cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn một số biện pháp cần thực hiện để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết:

Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng: Mua thực phẩm từ các nguồn đáng tin cậy: Lựa chọn mua thực phẩm từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín, hoặc các chợ có kiểm soát chất lượng. Tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc những nơi không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chọn thực phẩm tươi, mới: Ưu tiên chọn thực phẩm tươi, không có dấu hiệu hư hỏng, không có mùi lạ.

Bảo đảm vệ sinh an toàn trong chế biến: Rau, củ, quả phải được rửa sạch dưới vòi nước chảy. Các loại thịt, cá cần được làm sạch kỹ trước khi chế biến; các dụng cụ như dao, thớt, nồi, chảo luôn sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa tay trước khi nấu ăn và trong suốt quá trình chế biến; nấu chín thực phẩm, không nên ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ.

Thực phẩm sau khi chế biến nên được tiêu thụ sớm, nếu không hết còn thừa cần bảo quản phù hợp. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh bảo quản được lâu hơn nhưng cần phân loại và bao gói cẩn thận.

Tránh thực phẩm chứa chất phẩm màu, chất bảo quản không an toàn. Sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn còn hạn sử dụng, bao gói nguyên vẹn.

Người tiêu dùng nên ăn uống điều độ, tránh ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ, đồ ngọt hoặc các món ăn khó tiêu. Hạn chế đồ uống có chất kích thích như rượu, bia...

Nếu ăn ngoài quán nên chọn những địa điểm uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm và không ăn thức ăn hay món ăn có dấu hiệu không an toàn, có mùi lạ, thiu.

Rửa tay trước khi ăn hoặc chế biến thực phẩm là một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Sử dụng thực phẩm an toàn, chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn bảo đảm sự vui vẻ và trọn vẹn trong các bữa tiệc. Hãy chú ý đến chất lượng thực phẩm, vệ sinh trong chế biến và bảo quản đúng cách để đón Tết đoàn viên an lành, mạnh khỏe.

Chế độ ăn uống cân bằng dịp Tết

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khuyến cáo, trong dịp Tết, mỗi gia đình nên cố gắng bố trí ăn đầy đủ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều, quá no để tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Các bữa ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng gồm đường, đạm, mỡ, chất xơ, khoáng chất, vitamin ở tỷ lệ cân đối, uống đủ nước. Nên hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối. Nêm gia vị chứa muối ở mức độ vừa phải và chấm nhẹ tay, tránh cho món ăn trở nên quá mặn.

Mọi người nên sử dụng rượu, bia ở mức vừa phải, trong ngưỡng khuyến cáo: Nam không quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị cồn = 1 chén rượu mạnh 30ml 40% = 330ml bia hơi = 3/4 lon/chai bia 5% = 1ly rượu vang 100ml 13,5%).

Một ly bia có thể chứa 175 calo, một ly rượu vang nặng có thể chứa 160ml, 100ml rượu gạo có thể chứa 220 calo. Vì thế, nên uống từ từ, chậm rãi để thưởng thức ly rượu hoặc có thể thay thế bằng những đồ uống khác có hàm lượng calo thấp hơn.

Mọi người chú ý lựa chọn những món ăn lành mạnh, lựa chọn những món ít dầu mỡ, dưới dạng calo thấp, chế biến đơn giản như hấp, luộc. Hạn chế các món ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ...

Bảo quản thực phẩm đúng cách; không nên mua tích trữ quá nhiều thực phẩm ngày tết; nấu chín kỹ thức ăn, ăn ngay sau khi nấu; không để thực phẩm ngoài nhiệt độ phòng quá lâu, nhất là các món dễ hỏng như nem, chả, thịt; không để lẫn thực phẩm sống và chín.

Trong dịp Tết, mọi người lưu ý ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa; giảm đồ chiên rán và thực phẩm nhiều đường.

Tết là dịp để thưởng thức rất nhiều các món ăn truyền thống, tuy nhiên dù bánh chưng và bánh tét là món truyền thống, nên ăn vừa đủ (1-2 lát nhỏ mỗi bữa) và kết hợp với rau xanh.

Tránh ăn quá muộn vào buổi tối hoặc ăn vặt không kiểm soát; nếu có nhiều món, hãy ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh quá tải cho hệ tiêu hóa.

Lưu ý cần uống đủ nước, bảo đảm nhu cầu 40ml/kg trọng lượng mỗi ngày, Thay các thức uống nhiều đường bằng nước lọc: Đồ uống nhiều đường như coca, nước ngọt,… có thể dẫn đến nạp quá nhiều đường bổ sung vào trong cơ thể bạn và khiến bạn tăng cân.

Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen vận động như dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, tập yoga hoặc các bài tập nhẹ nhàng. Tối ưu nhất là 5 ngày thể dục, 2 ngày thể thao mỗi tuần. Sau mỗi bữa ăn, nên đi bộ nhẹ để hỗ trợ tiêu hóa.

Bảo đảm ngủ 6-8 giờ mỗi đêm, tránh thức quá khuya, kể cả trong các buổi tụ họp gia đình.

Để giảm stress, cần sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc vui chơi, nghỉ ngơi và các công việc chuẩn bị Tết; tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, ngồi thiền, hoặc trò chuyện với người thân.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lam-gi-de-can-doi-dinh-duong-tranh-ngo-doc-ngay-tet-post857467.html