Làm gì để chặn nguy cơ 12 triệu người không có lương hưu vào năm 2030?
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực bao phủ bảo hiểm xã hội, đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt vấn đề quan ngại khi có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đó sẽ là gánh nặng xã hội, gánh nặng chính sách an sinh rất lớn.
Đây là lo ngại mà ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đặt ra để Việt Nam giải bài toán đảm bảo không ai bị ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Nỗi lo người già không có lương hưu
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ chính sách an sinh xã hội của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt, mang lại nhiều thành tựu đã được quốc tế ghi nhận là điểm sáng. Tuy nhiên, Bộ trưởng mong muốn trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn.
Mong muốn được nghe những phân tích, khuyến nghị thẳng thắn và thực tế từ các chuyên gia độc lập, Bộ trưởng Dung chia sẻ trăn trở của ông về con số 34 triệu lao động phi chính thức (người làm việc tự do, không có hợp đồng lao động như nông dân, thành viên hợp tác xã...) hiện nay với nguy cơ có thể rơi khỏi "lưới an sinh". Thực tế, đây là khu vực có dư địa lớn để tăng mức huy động tham gia bảo hiểm xã hội, để đảm bảo an sinh bền vững trong tương lai nhưng chính sách nào để quản lý, khuyến khích nhóm lao động này tự nguyện tham gia?.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp của ILO, cho hay các nước châu Mỹ Latinh có kinh nghiệm và đã vạch ra lộ trình để chính thức hóa thị trường lao động, như tại Colombia, Chính phủ có những kế hoạch hành động mà mỗi bộ ngành đều phải thực hiện để cùng có thể góp phần vào việc chính thức hóa người lao động, chính thức hóa việc làm để tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào bảo hiểm xã hội.
Vị chuyên gia lao động quốc tế khuyến cáo, Việt Nam mới có 16,5 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tức chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Tính trong 11,4 triệu người cao tuổi cũng mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội).
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực bao phủ bảo hiểm, đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt vấn đề quan ngại khi có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đó sẽ là gánh nặng xã hội, gánh nặng chính sách an sinh rất lớn.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ
Theo đó, ông Nuno Cunha khuyến nghị, đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cần tăng mức chi cho an sinh xã hội từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 8% GDP. Song song với quá trình này là các biện pháp chính thức hóa khu vực việc làm phi chính thức, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.
Ông Nuno khuyến nghị mở rộng an sinh xã hội nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28 của Trung ương trong đó nâng cao tỉ lệ bao phủ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức chi trả cho hưu trí xã hội. Ngoài ra, cần tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động/hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào bảo hiểm xã hội bắt buộc,…
Còn theo ông André Gama, Chuyên gia phụ trách Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, dự báo những con số này sẽ tăng trong các thập kỷ tiếp theo và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trên 65 tuổi của Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 8 triệu người, chiếm 8,3%, dự kiến đến năm 2036 số người trên 65 tuổi sẽ đạt 15,5 triệu người, chiếm 14,1%.
Tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song điều đáng lưu ý là vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi. Vì vậy, ông André Gama cho rằng nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong tương lai sẽ có một tỷ lệ lớn những người cao tuổi không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào. Gánh nặng đặt lên con cái họ sẽ ngày càng lớn hơn nữa.
Theo chuyên gia ILO, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu về tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cũng như mở rộng đối tượng những người được hưởng hưu trí. Tuy nhiên, để làm được điều này cần hỗ trợ nhiều hơn và tăng đầu tư cho an sinh xã hội. Việc hỗ trợ cũng cần đảm bảo ở mức thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Thực tế, hiện nay mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo. Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP. “Đây là mức rất thấp so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Mức này chưa đảm bảo những người hưởng có thể thoát nghèo, trong khi mức hưởng phải ít nhất giúp họ trang trải một phần chi tiêu”, ông André Gama phân tích.
Trong bối cảnh đó, ông cũng cho rằng, phân bổ ngân sách cho trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi tại Việt Nam cần lưu ý đến mức trợ cấp của các quốc gia khác trong khu vực có mức phát triển tương đồng để điều chỉnh cho phù hợp.
Vị chuyên gia của Tổ chức ILO giả định Việt Nam dành 13.800 tỷ đồng đồng (nghị quyết 68) cho an sinh xã hội thì GDP tăng lên 42.000 tỷ đồng (sau 5 quý). Như vậy, Nhà nước đầu tư 1 đồng cho an sinh xã hội sẽ tạo ra 3 đồng tăng trưởng GDP (sau 1 năm).