Làm gì để giữ nghề rèn Lộc Trác?
Hằng ngày, ông Lê Văn Nhện, 64 tuổi, vẫn gắng sức của tuổi già để kiếm vài chục ngàn đồng từ nghề rèn. Chủ lò rèn thở dài: 'Nghề này từ từ chắc dẹp hết quá. Bây giờ không còn ai theo nghề…'.
Trăm năm làng nghề
Sáng sớm, ông Nhện và người con trai tên Lê Hồng Anh, 42 tuổi, bắt tay vào việc nhóm lò chuẩn bị rèn những cây rựa theo đơn đặt hàng của vựa. Bếp than đỏ rực, một thanh nhíp xe ô tô tải được đưa vào nung. Khi thanh nhíp nóng đỏ, ông Nhện dùng kềm gắp ra để lên đe. Hai cha con, mỗi người cầm một cây búa luân phiên nhau đập xuống thanh nhíp. Đoạn thép nguội, ông Nhện cho vào lò, tiếp tục nung đỏ và sau đó, hai cha con lại tiếp tục quai búa đập vào thanh nhíp. Quy trình cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi thanh nhíp biến đổi hình dạng thành cây rựa.
Trong khi người con trai đem lưỡi rựa đi mài thì ông Nhện lấy đoạn gỗ xà cừ ra và tiện thành cán. Chủ lò rèn còn dùng những miếng sắt nhỏ chế tác thành các khoen, tròng vào cán rựa. Công đoạn cuối cùng và quan trọng nhất là luyện lưỡi rựa cho bén và bền bỉ. Người đàn ông này nhận lại cây rựa từ tay con trai.
Ông cho cây rựa vào lò than. Chờ cây rựa nóng đỏ, ông gắp cây rựa đưa vào bể nước để làm nguội. Sau đó, ông lại đưa cây rựa vào lò lửa, rồi lại nhúng vào bể nước. Sau vài lần như thế, ông Nhện đem cây rựa đi mài lại cho thật bén và tra vào cán. “Bí quyết làm cho lưỡi rựa bén và bền là ở khâu nhúng lưỡi rựa vào bể nước. Nhúng trong thời gian bao lâu, nhúng như thế nào là tùy vào nguyên liệu làm rựa và tùy kinh nghiệm của người thợ”- chủ lò rèn chia sẻ.
Ông Nhện sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống 3 đời kiếm sống bằng nghề rèn ở khu phố Lộc Trác, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Theo lời cha ông kể lại, hàng trăm năm trước có một người từ “Đàng ngoài” theo chân ông Cả Đặng Văn Trước vào đây khai phá đất rừng làm ăn sinh sống.
Ông ấy dùng miếng sắt vụn đập dẹp, trui rèn, mài bén thành công cụ để chặt phá cây rừng. Sau đó, người đàn ông này lập gia đình, sinh con, đẻ cháu. Gia đình họ tiếp tục trui rèn thêm nhiều dụng cụ lao động. Từ đó hình thành nghề rèn ở ấp Lộc Trác (nay là khu phố Lộc Trác).
Sau ngày miền Nam giải phóng, Nhà nước có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, người dân cần nhiều dụng cụ lao động như dao, rựa, cuốc, xẻng để khai khẩn đất hoang, sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, thời điểm đó, nghề rèn ở đây phát triển rất mạnh. Nhiều thanh niên trong xóm đến lò rèn học nghề. Khi biết được kỹ thuật rèn, họ trở về nhà mở lò, sản xuất. “Ba tôi làm nghề rèn. 7 người con trong gia đình thì có đến 6 người nối nghiệp”- ông Nhện kể.
Ông Nhện theo học nghề rèn từ khi mới 14 tuổi và từ đó đến nay, ông chỉ kiếm sống duy nhất với nghề này. Thời còn trẻ, trung bình, mỗi ngày vợ chồng ông sản xuất được 50 cây rựa. Ông Nhện nhớ lại, thời điểm thịnh hành nhất, khu phố Lộc Trác này có hơn 300 lò rèn và thành lập hợp tác xã sản xuất với nhiều mặt hàng như dao, kéo, cuốc, xẻng, liềm, rựa, chét, lưỡi cày, răng bừa v.v… Riêng gia đình ông Nhện chuyên sản xuất rựa và các loại dao lớn nhỏ khác nhau.
Cách lò rèn của ông Nhện khoảng vài trăm mét, gia đình ông Hà Văn Đạm đang cọc cạch với nghề rèn. Năm nay, ông Đạm hơn 60 tuổi và là truyền nhân đời thứ bảy của nghề rèn trong gia đình. Gia đình ông Đạm không sản xuất các loại dao, rựa mà chỉ chuyên rèn lưỡi cày, lưỡi cuốc. Sản phẩm của gia đình ông làm ra không chỉ bán trong tỉnh mà còn có mặt ở một số tỉnh trong khu vực, để phục vụ cho việc trồng hàng bông, trồng mì, mía v.v…
Theo lời chủ lò rèn này, vài chục năm trước, hầu như trong làng nhà nào cũng có lò rèn. Thậm chí, trong một gia đình có nhiều lò rèn. “Lúc đó, đi đến đâu cũng nghe tiếng đập đe lốp cốp, tiếng mài sản phẩm lèng xèng, tiếng người dân cười đùa vui vẻ. Cả làng nhộn nhịp như một khu tiểu thủ công nghiệp”- ông Đạm miêu tả.
Trước nguy cơ xóa sổ
Mặc dù từng có một thời hoàng kim như thế, nhưng những năm gần đây, những lò rèn ở khu phố Lộc Trác đang dần tắt lửa. Hiện nay, trong khu phố này ước tính chỉ còn khoảng 20 gia đình cầm cự với nghề rèn. Vì sao từ một làng nghề nhộn nhịp trở thành đìu hiu như thế?
Ông Nhện giải thích, những năm gần đây, hầu hết thanh niên có điều kiện học hành tốt hơn, tìm việc làm ở cơ quan Nhà nước, trong công ty, xí nghiệp. Một số người còn lại làm nghề khác với thu nhập cao hơn nên không còn ai nối nghiệp nghề rèn.
Vợ chồng ông Nhện có 2 người con, người con gái đã lập gia đình, theo chồng đi nơi khác làm ăn sinh sống. Người con trai tên Lê Hồng Anh, năm nay 42 tuổi, hằng ngày, anh kiếm sống bằng nghề tài xế xe 3 bánh, chở hàng hóa thuê cho người dân trong xóm.
Những lúc rảnh rỗi, Hồng Anh mới phụ cha nhóm lò, đập đe, mài dao, rựa, nhưng khi có người gọi chở hàng là anh nổ máy xe, lập tức lên đường. Hồng Anh tâm sự: “Nghề rèn nặng nhọc, thu nhập không bao nhiêu.
Không đủ tiền nuôi vợ với 4 người con, nên tôi không thể theo nghề”. Ông Nhện kể tiếp, những năm trước, có một vài thanh niên đến đây học nghề. Khi đã thành thạo, những “đệ tử” này đã rời làng quê, đi đến các Bình Dương, Bến Tre lập nghiệp.
Tương tự như thế, lò rèn của gia đình ông Đạm chỉ còn hai vợ chồng hỗ trợ lẫn nhau. Những lúc cần gò lưỡi cày, lưỡi cuốc thì ông một búa, vợ ông một búa luân phiên nhau đập. Những lúc vợ ông đi chợ, nấu cơm thì chỉ một mình ông lủi thủi với nghề.
Ông Đạm bộc bạch: “Con cái trong gia đình đã lớn, lập gia đình và đều có công ăn việc làm khác. Thanh niên trai tráng trong làng chẳng thấy ai đến đây học nghề rèn. Vợ chồng tôi cố gắng cầm cự với nghề thêm vài năm nữa. Khi nào không còn sức làm nghề thì đóng cửa, giải nghệ chứ biết làm sao”.
Ngoài những lý do về nhân lực và thu nhập, qua thực tế cho thấy hiện nay, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm dao, kéo, cuốc, xẻng được sản xuất theo công nghệ hiện đại. Các sản phẩm này đều có mẫu mã đẹp, bắt mắt và giá rẻ.
Với xu hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa lao động trên đồng ruộng, nhiều dụng cụ làm nghề nông được thay thế bởi máy móc hiện đại như máy cày, máy xới, máy cắt lúa, cắt cỏ. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và vô hình trung trở thành “đối thủ nặng ký” của những làng nghề sản xuất thủ công, truyền thống như nghề rèn ở Lộc Trác.
Một số chủ lò rèn ở Lộc Trác tự cứu lấy nghề bằng cách đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm bớt sức lao động và hiện đại hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ du lịch, những lò rèn truyền thống ở đây còn một tiềm năng kinh tế khá lớn.
Nếu chính quyền địa phương, ngành chức năng khéo léo lồng ghép vào những tour du lịch. Du khách đến đây tham quan, mua sắm, trải nghiệm, thử tài làm thợ rèn thì có thể ngành nghề này sẽ duy trì và phát triển, góp phần đáng kể vào sự phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh. Đây cũng là xu hướng du lịch đang lớn mạnh ở các tỉnh miền Tây và được nhiều du khách trong, ngoài nước yêu thích.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/lam-gi-de-giu-nghe-ren-loc-trac-a157960.html