Làm gì để 'hạ nhiệt' vi phạm pháp luật về động vật hoang dã?
Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế cho thấy, giai đoạn 2014-2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật.
Ngày 24/11 vừa qua, TAND huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu tuyên phạt Thào A Tủa (sinh năm 1979) và Lò Thị Mỷ (sinh năm 1965), cùng trú tại thôn Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn mỗi đối tượng 1 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu chó (tên khoa học Helarctos malayanus).
Trước đó, ngày 14/7/2021, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã tiến hành khám xét nhà của đối tượng trong chuyên án triệt phá tụ điểm, buôn bán trái phép chất ma túy và đồng thời phát hiện các đối tượng nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu. Cá thể gấu trên khi bị tịch thu chỉ nặng 5kg, và đã được chuyển tới Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên – Vườn Quốc gia Hoàng Liên ngay sau đó.
Gấu chó là loài ĐVHD thuộc lớp thú nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP – cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển gấu con còn sống trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhiều khả năng các cá thể gấu này sẽ được buôn bán cho các cơ sở nuôi nhốt.
Vụ việc này một lần nữa cảnh báo về thực trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật ở Việt Nam. Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế cho thấy, giai đoạn 2014-2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán ĐVHD trái pháp luật, trong đó có hơn 105 tấn ngà voi, tương đương hơn 15.700 cá thể voi bị sát hại; 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phẩm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê.
Hiệp hội bảo tồn ĐVHD đã thống kê dựa trên nguồn dữ liệu của các cơ quan thực thi pháp luật cho thấy, giai đoạn 2013-2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại ĐVHD; hơn 180 loại ĐVHD bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp. Qua nghiên cứu sơ bộ trên internet về rà soát buôn bán, săn bắt ĐVHD ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thống kê có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể ĐVHD.
ĐVHD đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi.
Những con số này cho thấy cần phải có những giải pháp cấp bách để bảo tồn. Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) vào tháng 10/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Hơn 1 triệu loài thực vật, động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và động vật không xương sống đang đối mặt với mối đe dọa.
Bên cạnh các giải pháp về pháp lý thì một trong những giải pháp bảo tồn mang lại hiệu quả không nhỏ và cần làm ngay là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
Bên cạnh đó cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn ĐVHD; tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về công tác bảo tồn ĐVHD.