Làm gì để hạn chế xảy ra cháy ô tô khi tham gia giao thông?

Thời gian qua, trên các tuyến đường, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Bình Thuận xảy ra nhiều vụ cháy ô tô. Thực trạng trên không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện…

Khoảng 12h10 ngày 23/5 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn Km14 + 600 thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam xảy ra vụ cháy ô tô. Thời điểm trên, chiếc ô tô 16 chỗ đang lưu thông trên cao tốc hướng Đồng Nai - Bình Thuận. Khi đến Km14 + 600 thuộc địa bàn xã Tân Lập thì xe bất ngờ bốc cháy. Lửa bùng phát mạnh, nhanh chóng cháy lan khắp xe nên tài xế chỉ kịp tấp xe vào làn khẩn cấp và mở cửa để thoát nạn. Hỏa hoạn khiến chiếc ô tô bị cháy trơ khung. Tuy nhiên, đây không phải là vụ cháy đầu tiên xảy ra trên cao tốc này. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), sau hơn 1 năm đi vào khai thác, trên 2 tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy phương tiện giao thông. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản gần 4 tỷ đồng.

Hiện trường vụ cháy xe container trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Hiện trường vụ cháy xe container trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện của phương tiện. Trong khi đó, hơn 1 năm qua các tuyến đường còn lại trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ cháy, thiệt hại 1,38 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trên tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh gấp đôi so với các tuyến đường còn lại. Theo nhận định của ngành chức năng, việc phương tiện lưu thông liên tục với tốc độ cao trên quãng đường dài làm gia tăng nguy cơ về tai nạn giao thông và sự cố kỹ thuật dẫn đến phương tiện bị cháy. Khi cháy xảy ra người điều khiển phương tiện không phát hiện kịp thời hoặc lúng túng trong xử lý dẫn đến cháy lan, một số phương tiện không trang bị bình chữa cháy nên việc ngăn chặn ngọn lửa không hiệu quả, nhiều phương tiện vì thế bị cháy gần như hoàn toàn.

Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, để đảm bảo an toàn phòng cháy và kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ phương tiện khi tham gia giao thông thì chủ phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện trên phương tiện giao thông như đèn, còi, thiết bị giải trí… Nếu lắp đặt nên lựa chọn các thiết bị chính hãng và phải đảm bảo an toàn, để không bị quá tải, chạm chập hệ thống điện. Khi tiến hành cải tạo, sửa chữa lớn phải đưa phương tiện vào hãng để đảm bảo an toàn. Tuân thủ việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, thường xuyên kiểm tra hệ thống phanh, hệ thống điện, ống xả động cơ… Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, đổ nhiên liệu tại các cửa hàng có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, không mua nhiên liệu ở các điểm bán không được cấp phép kinh doanh.

Ngoài ra, không để các chất dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ. Đối với các phương tiện chở hàng hóa, cần phân loại hàng hóa, không để chung các loại hàng hóa dễ cháy, nổ như nước hoa, thiết bị điện tử, pin sạc dự phòng với các hàng hóa khác. Khi di chuyển hoặc đỗ phương tiện dưới trời nắng, cần tránh để các thiết bị, vật dụng bên trong xe như điện thoại, kính mắt, chai nước hoa, lọ tinh dầu… tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì có thể tạo ra hiện tượng hội tụ ánh sáng gây cháy bên trong xe. Chủ các phương tiện nên tự trang bị bình chữa cháy trên xe. Khi phát hiện xảy ra cháy, nổ hoặc thấy có khói, mùi khét cần bình tĩnh, đỗ xe vào lề cách xa nơi tập trung đông người và phương tiện, nơi có chất cháy, tắt khóa xe. Hướng dẫn người trong xe thoát ra ngoài và sử dụng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy, hô hoán để các chủ phương tiện đang di chuyển trên cao tốc hỗ trợ chữa cháy. Đồng thời gọi điện báo cho Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ qua số điện thoại 114 để chữa cháy kịp thời…

T.THÀNH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lam-gi-de-han-che-xay-ra-chay-o-to-khi-tham-gia-giao-thong-123553.html