Làm gì để khai thác hiệu quả AI mà không đánh mất giá trị cốt lõi của báo chí?
Sự phát triển mạnh mẽ của AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin, đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý về AI trong báo chí và cách thức làm báo.

Báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ và việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng. (Ảnh minh họa: Ereleases)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin, đồng thời mang đến những thách thức lớn về đạo đức báo chí, tin giả và sự thao túng nhận thức.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhận định tại Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” diễn ra ngày 23/5, tại Hà Nội.
AI thay đổi cách làm báo
Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, sự phát triển mạnh mẽ của AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin. AI mang đến tiềm năng to lớn trong việc tối ưu hóa quy trình làm báo, giúp các tòa soạn rút ngắn thời gian sản xuất tin bài, cá nhân hóa nội dung để phục vụ độc giả và nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu để từ đó nắm bắt xu hướng dư luận.
Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của AI cũng mang đến những thách thức lớn về đạo đức báo chí, tính xác thực về thông tin, ngày càng gia tăng những hình thức thông tin sai lệch, tin giả và sự thao túng nhận thức.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình. (Ảnh: Sơn Hải)
“Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các nội dung do AI tạo ra mà không rõ nguồn gốc, thiếu sự kiểm chứng đang đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về trách nhiệm của người làm báo, về vai trò của cơ quan quản lý và cả về nhận thức của công chúng trước những làn sóng thông tin mới,” Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình bày tỏ.
Báo chí trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang bước vào kỷ nguyên mới - nơi mà công nghệ có thể tạo ra và phân phối thông tin nhanh hơn con người, nhưng giá trị cốt lõi của báo chí đó là tính xác thực, sự chính trực và đóng góp xây dựng xã hội vẫn thuộc về con người và chỉ có thể do con người gìn giữ.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các cơ quan báo chí và của các cơ sở đào tạo là cùng nhau kiến tạo một hệ sinh thái truyền thông nhân văn, bền vững và có trách nhiệm.
“Quản lý báo chí - lĩnh vực có vai trò quan trọng gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và định hướng dư luận xã hội cần có cách tiếp cận tổng thể, liên ngành và linh hoạt, cần sự chung tay của cả Nhà nước, các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ sở đào tạo, góp phần hình thành các thế hệ nhà báo tương lai,” Thứ trưởng Lê Hải Bình nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, định hướng chiến lược từ góc độ quản lý nhà nước là cần hoàn thiện khung pháp lý về AI trong báo chí; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tại các cơ quan báo chí; và nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo. Từ đây, vai trò then chốt của các cơ sở đào tạo trong việc chuẩn bị nhân lực báo chí thích ứng với môi trường truyền thông hiện đại, có khả năng kiểm soát và khai thác hiệu quả AI mà không đánh mất giá trị cốt lõi của báo chí.
Học để làm chủ AI
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ và việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán, nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các đại biểu chủ trì phần tọa đàm tại hội thảo. (Ảnh: Sơn Hải)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Trung Ý đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đánh giá toàn diện các vấn đề mà AI đặt ra đối với báo chí-truyền thông, từ đó đề xuất với lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các giải pháp chiến lược, bao gồm cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI; đẩy mạnh nghiên cứu về tác động của AI đến hoạt động báo chí-truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Từ góc độ của cơ quan đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng sự phát triển nhanh chóng của AI đang mở ra những cơ hội chưa từng có và đặt ra những thách thức sống còn đối với báo chí-truyền thông và đào tạo nhân lực báo chí-truyền thông.
Theo đó, AI không chỉ thay đổi căn bản quy trình sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin mà còn mở ra những khả năng vượt trội trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông. Sự phát triển này cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, pháp lý và an ninh thông tin.

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam. (Ảnh: Sơn Hải)
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam cho rằng trong bối cảnh công nghệ, AI phát triển mạnh như hiện nay, những thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... sẽ là cơ hội quý báu để cùng nhau suy ngẫm không chỉ về sự thay đổi của công nghệ, mà quan trọng hơn là cách báo chí có thể giữ vững niềm tin, trách nhiệm và bao trùm được những tiếng nói của các tầng lớp yếu thế trong dòng chảy biến động ấy.
Giám đốc Lee Byung Hwa cam kết KOICA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như nhiều đối tác khác tại Việt Nam nhằm tiếp tục hỗ trợ việc giao lưu tri thức và nâng cao năng lực trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Đây không chỉ là việc truyền tải thông tin mà còn là xây dựng những nhịp cầu tin cậy kết nối con người với con người, văn hóa với xã hội, có ý nghĩa trên hành trình hợp tác báo chí giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc./.
Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” có bốn nhóm nội dung trọng tâm: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của AI; nhận diện rõ cơ hội và thách thức mà AI mang lại; đề xuất các giải pháp chiến lược về chính sách, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế; vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đổi mới chương trình và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực báo chí-truyền thông.
Đây là cách để cùng nhìn nhận, đánh giá và đi sâu thúc đẩy phát triển báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số.