Làm gì để không còn những 'quả bom nổ chậm' từ pin, sạc xe điện kém chất lượng?
Sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, bên cạnh các biện pháp tăng cường an toàn phòng chống cháy nổ cần được thực hiện, vấn để quản lý pin và sạc cũng như hệ thống sạc của các xe điện lại được đặt ra.
Trong vài năm trở lại đây, xe đạp điện, xe máy điện đã được nhiều người Việt Nam ưu tiên sử dụng. Nhưng đi liền với đó là vấn để quản lý pin và sạc cũng như hệ thống sạc của các xe điện chưa thực sự chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn gây mối lo cho nhiều người.
Đã có một số vụ cháy nổ, hỏa hoạn xảy ra được các cơ cơ chức năng khẳng định nguyên nhân là do ắc quy, pin xe điện bị chập khi đang sạc dẫn đến cháy nổ.
Khoảng trống trong các quy định
Nguyên nhân là bên cạnh lượng ắc quy, sạc cho các xe đạp điện nhập khẩu từ những thương hiệu uy tín, bảo đảm chất lượng thì vẫn còn lượng hàng nhập lậu không nhỏ.
Gần đây nhất, ngày 9/9, lực lượng công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản vụ việc ban đầu khi phát hiện xe ô tô tải biển số 60C-615.68 chở 412 bình ắc quy đã qua sử dụng (nghi vấn rác thải nguy hại), chưa qua xử lý. Sau khi lập biên bản vụ việc, lực lượng công an đã bàn giao phương tiện và tang vật cho Công an huyện Thống Nhất để tiếp tục điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật...
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả các dòng xe khi bán ra thị trường đều phải được kiểm tra đánh giá chất lượng qua Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường cho thấy, phần lớn số xe đạp điện bán trên thị trường không có tem hợp quy (không qua kiểm tra chất lượng của Cục Đăng kiểm). Chỉ riêng dòng xe máy điện hiện nay của Vinfast là được người dân trong nước ưa chuộng nên hạn chế tình trạng nhập lậu hơn xe đạp điện.
Thạc sĩ Đỗ Cao Phan, chuyên gia giao thông cho biết, xe máy điện, xe đạp điện hiện là một trong những phương tiện giao thông phổ biến ở Việt Nam với hơn 3 triệu chiếc đang lưu hành. Số lượng xe sử dụng không nhỏ nhưng có điều là các tiêu chuẩn, quy trình quản lý pin của những loại xe điện này còn chưa rõ ràng.
Cụ thể như các khâu từ sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì các loại pin của xe điện hiện vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa phân cấp cho từng bộ ngành quản lý. Hiện, các quy định về động cơ và ắc quy cho xe đạp điện mới được quy định chung chung trong Quy chuẩn QCVN 75:2019/BGTVT, chưa có những quy chuẩn kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện...
Đi liền với đó là những yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện còn nhiều bất cập. Bởi trong các khu chung cư, nhà cao tầng, hệ thống sạc xe điện thường gộp chung với đường dây kết nối thiết bị điện tòa nhà. Nguyên nhân là những tòa nhà này đã xây dựng trước nên các hệ thống điện và các trạm sạc này không có trong thiết kế hệ thống điện ban đầu của tòa nhà.
Điều này có nghĩa là các trạm sạc khi đi vào sử dụng có thể ảnh hưởng đến chất lượng mạng lưới điện và công tác phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trạm sạc xe điện không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy. Chính vì vậy, dù công nhận sự cần thiết và vai trò của xe điện trong xã hội hiện đại nhưng nhiều người đang lo lắng về vấn đề quản lý, vận hành pin, sạc, hệ thống sạc.
Hướng đến yếu tố an toàn
Ông Lê Yên Thanh , Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS, cho biết dù là xe máy hay xe đạp điện thì mỗi xe sẽ có một bộ ắc quy, pin, mô tơ với công suất phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhập lậu xe, ắc quy, pin, sạc cũng như quy trình quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý dẫn tới tình trạng tự thay đổi kết cấu xe, dễ dẫn tới quá tải nguồn điện, hoặc khiến thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện gây cháy nổ.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện cũng như chủ trương khuyến khích sử dụng xe điện của Nhà nước, giảm thiểu rủi ro cháy nổ pin xe điện, ngoài ý thức của người dân, các đơn vị bán hàng thì cần tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước, các bộ ngành trong việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy nổ riêng cho pin lithium (dùng cho xe đạp điện - giống như pin máy tính, laptop) và xe điện. Đồng thời, cần siết các quy định để hạn chế tình trạng nhập lậu xe điện cũng như các thiết bị như pin, sạc của xe điện.
Theo các chuyên gia, để khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng xe điện nhưng vẫn bảo đảm an toàn, cần tạo ra một môi trường thuận lợi, nhất là hệ thống hạ tầng trong quá trình sạc. Mà để làm được điều đó cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo an toàn khi thực hiện trong thực tiễn.
Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng có thể việc kiểm định, ban hành quy định về quản lý các thiết bị cho xe điện, hệ thống sạc điện đối với Việt Nam còn gặp khó khăn, bất cập do xe điện mới phát triển trong những năm gần đây. Nhưng Việt Nam có thể hợp tác với các nước phát triển về lĩnh vực này để có được những hỗ trợ trong xây dựng chỉ tiêu kiểm định, quản lý sạc, pin... cho xe điện. Bên cạnh đó, người dân cần bỏ tâm lý “ưa rẻ” để sử dụng pin, sạc và cả xe điện chất lượng. Bởi xét cho cùng thì những điều này không chỉ nằm ở yếu tố kỹ thuật mà còn bảo đảm được độ an toàn cho chính người sử dụng.