Làm gì để kinh tế cất cánh trong năm 2024?
Xu hướng phục hồi kinh tế đã ngày càng rõ nét nhưng động lực nào để tạo nên sức bật cho tăng trưởng năm 2024 khi tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt mức 5,05% và vẫn có 4 địa phương tăng trưởng âm cho thấy nền kinh tế vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn?
Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, trong bối cảnh các rủi ro tiềm ẩn từ kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá mục tiêu này có thể đạt được do xuất hiện nhiều điểm sáng tạo điều kiện tăng trưởng cho năm 2024.
Lộ diện những điểm sáng
Theo nhận định của giới phân tích, năm nay, xu hướng lạm phát của thế giới đã giảm xuống, tạo nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm. Đây là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đến nay, theo công bố mới nhất thì Mỹ và các nước châu Âu đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc hơn, vì thế tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng tốt lên trong năm nay.
Một yếu tố khác là sự hồi phục của du lịch, năm 2023 so với năm 2022 đã tăng nhưng so với trước dịch thì còn cách xa đỉnh. Do đó, dư địa tăng trưởng ngành du lịch còn rất tốt, nếu có chương trình kích thích thì mở ra nhu cầu hồi phục du lịch nội địa.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia nhận định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ và các bộ ngành thúc đẩy quyết liệt. Trong năm 2023, vốn đầu tư công đã lan tỏa tích cực và năm 2024 là điểm rơi của dòng vốn này, do có độ trễ.
Cuối cùng, các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho bất động sản trong năm qua đã tạo kỳ vọng bất động sản hồi phục, dòng tiền quay trở lại thị trường. Bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự phục hồi của ngành này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho bức tranh chung.
Cần chính sách dài hạn
Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam “cất cánh”, các chuyên gia cho rằng cần có một chính sách dài hạn hơn, nếu đi theo lối mòn thì chỉ có ổn định trong ngắn hạn.
Tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" ngày 9/1, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn, vượt khó.
“Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, lo chính sách dài hạn và sớm có hành động, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt”, ông cho hay.
Theo TS Võ Trí Thành, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp. Cùng với đó, Việt Nam cũng chuẩn bị, có chiến lược thu hút "đại bàng tới làm tổ" trên các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn…
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đầu tư cần được rút gọn về trình tự đầu tư. Nếu quá thận trọng đến mức tự kiềm chế sẽ khó có sự đột phá trong kích cầu tiêu dùng sản xuất, kích cầu sản xuất, xuất khẩu.
Đồng quan điểm, GS. TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, cũng đặt vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế phải có một chính sách dài hạn hơn, nếu đi theo lối mòn thì chỉ có ổn định trong ngắn hạn.
Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM nêu, kinh tế Việt Nam phục hồi sau giai đoạn Covid-19. Đầu tư công được đẩy mạnh, nhưng cũng cần tính toán hiệu ứng trong dài hạn tác động đến tăng trưởng, chuẩn bị nguồn lực hấp thụ dự án như thế nào. Về tiêu dùng, tiêu dùng hiện nay dựa trên bất động sản, du lịch, hạ tầng. Tuy nhiên, tiêu dùng chưa ổn định, mang tính chu kỳ, bài toán đặt ra là làm sao đóng góp để mang tính bền vững hơn.
Ngoài ra, nói đến đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ để đón "đại bàng", Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư để đón các doanh nghiệp lớn. Làm sao để đào tạo ra số kỹ sư này cũng là một bài toán cần lời giải.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhìn nhận kinh tế 2024 có nhiều điểm sáng. Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2024 cũng như thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, tránh kiểu đầu năm “bình tĩnh”, cuối năm “khẩn trương”. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải chạm mức 85 - 90% mục tiêu đề ra.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ông Trung cho rằng cần hướng đến những thị trường mới và chiến lược như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, châu Âu.
Nhìn vào tổng thể, ông Trung nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt ở mức hơn 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn đặt trường hợp trong năm 2024, tăng trưởng GDP có thể đạt 6-6,5% hoặc xấu hơn là không đạt. Trong trường hợp có thể là không đạt mục tiêu, ông Trung cho rằng Việt Nam cũng cần một tầm nhìn dài hạn hơn cho bức tranh kinh tế, thay vì phấn đấu từng năm.