Làm gì để minh bạch hóa đơn điện?

Chuyên gia cho rằng một số người thiếu trách nhiệm trong việc ghi chỉ số điện, trong khi tỷ lệ sử dụng công tơ điện tử thấp dẫn đến nhiều trường hợp tiền điện tăng bất thường.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng vừa qua, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên cả nước tiêu thụ điện cao hơn tháng trước đó 30%. Tuy nhiên, xuất hiện một số trường hợp tiêu thụ điện vọt lên hàng chục lần.

Điển hình như một trường hợp ở tỉnh Quảng Bình, mức tiêu thụ điện bị ghi tăng 33 lần, làm số tiền tăng lên 58 triệu đồng. Còn một trường hợp khác ở Quảng Ninh, số tiền bị tính lên đến 90 triệu đồng.

Thiếu chuyên nghiệp

Trao đổi với Zing, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng đã có sự thiếu trách nhiệm của một số người ghi chỉ số công tơ, dẫn đến sai sót trong việc tính tiền điện.

“Thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp của những người được giao trách nhiệm ghi chỉ số điện. Từ đó dẫn đến sai sót”, ông Long nói.

 EVN cho biết 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên cả nước tiêu thụ điện cao hơn tháng trước đó 30%. Ảnh: Huy Hải.

EVN cho biết 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên cả nước tiêu thụ điện cao hơn tháng trước đó 30%. Ảnh: Huy Hải.

GS Long cho rằng trong tương lai khi ngành điện sử dụng công tơ điện tử, thay cho công tơ cơ (ghi chỉ số thủ công) hiện tại thì việc ghi sai chỉ số sẽ được khắc phục. Ông nhấn mạnh việc chuyển đổi công tơ sang điện tử sẽ được triển khai sớm khi Chính phủ đang xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, người được phân công phụ trách lĩnh vực điện lực, cho biết ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng chiều 22/6, ông đã trực tiếp gọi điện và yêu cầu EVN phải quan tâm các phản ánh của khách hàng.

Ông nhấn mạnh vào mùa nắng nóng, việc sử dụng điện của người dân tăng lên. Do đó, việc ghi chỉ số công tơ phải minh bạch, phục vụ khách hàng một cách nghiêm túc. Với những trường hợp sai sót đều phải xử lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến chỉ số tăng lên. Với cách tính tiền điện theo bậc thang, sẽ khiến mức tăng tiền điện cao hơn so với mức tăng của chỉ số.

Cần cải thiện bậc giá điện?

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng cục Thẩm định giá (Bộ Tài chính), cho rằng cách tính bậc giá điện hiện nay khiến việc dùng càng nhiều, mức chi trả càng lớn. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc giá là tương đối hẹp: Bậc 1 là 0-50 kWh, bậc 2 là 50-100 kWh, bậc 3 là 101-200 kWh, bậc 4 là 201-300 kWh, bậc 5 là 301-400 kWh, bậc 6 là cao hơn 400 kWh.

 Các bậc thang giá bán lẻ điện hiên tại. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Các bậc thang giá bán lẻ điện hiên tại. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Điều này dẫn đến, nếu người dùng điện chỉ cần tăng sử dụng điện lên một bậc giá, thì tổng số tiền điện sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện. Điều này cần phải được thay đổi để phù hợp với mức sử dụng của đại bộ phận người dân.

GS Trần Đình Long thì đề xuất nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện theo đầu người thay vì hộ gia đình như hiện nay. Theo ông Long thì hiện có thực tế, có hộ gia đình chỉ có 3 người nhưng lại tách làm 2 công tơ. Trong khi đó, có những hộ gia đình 5-6 người nhưng lại vẫn dùng chung 1 công tơ và điều này là không công bằng.

Đưa ví dụ cụ thể, vị chuyên gia này dẫn chứng, với một người độc thân có thể tiêu thụ khoảng 200 kWh/tháng (tiền điện khoảng 320.000 đồng). Nhưng khi người đó ở cùng bố mẹ, hoặc lập gia đình, mức tiêu thụ gộp của 4 người là khoảng 800 kWh/tháng (khoảng 2,07 triệu đồng).

Như vậy, nếu ở với gia đình, chi phí tiền điện bình quân đầu người là 520.000 đồng/tháng. Ông cho rằng như vậy là thiệt thòi đối với những người ở chung với gia đình.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết cuối năm nay, Bộ này sẽ hoàn thiện đề xuất bậc giá tính điện mới, trình Thủ tướng thông qua sau đó áp dụng. Dự kiến biểu giá điện mới sẽ cải tiến hơn với khoảng cách các bậc cao hơn.

Có thể theo dõi chỉ số công tơ điện hàng ngày để giám sát?

Ông Lê Văn Trang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC), thừa nhận vẫn còn ở đâu đó tình trạng ghi nhầm chỉ số điện, tuy nhiên khẳng định số này không nhiều.

 Việc ghi chỉ sổ công tơ vẫn chủ yếu bằng thủ công nên có thể gây ra nhầm lẫn. Ảnh: EVN.

Việc ghi chỉ sổ công tơ vẫn chủ yếu bằng thủ công nên có thể gây ra nhầm lẫn. Ảnh: EVN.

Ông Trang cho biết hiện tại đang có 2 loại chỉ số công tơ được sử dụng là công tơ điện tử và công tơ cơ. Với công tơ điện tử, dữ liệu dùng điện có thể cập nhật liên tục. Khách hàng chỉ cần vào website chăm sóc khách hàng của điện lực khu vực để theo dõi và giám sát.

Tuy nhiên, ông Trang thừa nhận công tơ điện tử vẫn chưa thực sự chiếm đa số. Tỷ lệ công tơ điện tử của EVN NPC là thấp nhất trong các tổng công ty của EVN. Theo thống kê, công tơ cơ vẫn chiếm 65%, còn công tơ điện tử là 35%.

“Chúng tôi mới lắp công tơ điện tử ở các thành phố, thị xã và một nửa số thị trấn. Số còn lại phải mất nhiều năm nữa để đầu tư thay thế”, ông nói.

Theo Phó tổng giám đốc EVN NPC, với công tơ cơ, công nhân điện vẫn phải trèo thang, ghi số trực tiếp. Khi đó, không thể tránh được sai sót do đọc sai, ghi ẩu, có những chuyện nhầm lẫn.

Vị này cho biết giải pháp của NPC là phúc tra chỉ số. Doanh nghiệp này tiến hành phúc tra 100% đối với các khách hàng có chỉ số tăng hoặc giảm 1,3 lần so với tháng trước. Ví như tháng này khách hàng dùng 100 kWh, tháng sau tăng trên 130 kWh hoặc giảm xuống dưới 70 kWh sẽ phúc tra.

“Tất nhiên sẽ có những nhầm lẫn. Nhưng chúng tôi hạn chế và trong tương lai sẽ hoàn thành thay thế công tơ điện tử”, ông Trang nói.

Một giải pháp khác để tăng tính minh bạch được ông Trang nhắc đến là việc chụp ảnh chỉ số công tơ, in cùng với hóa đơn tiền điện để khách hàng có thể so sánh, đối chiếu. Cách làm này đã được Tổng công ty điện lực Hà Nội áp dụng.

Theo GS Trần Đình Long, vào năm 2024, thị trường điện bán lẻ cạnh tranh sẽ được đưa vào vận hành. Nếu muốn vận hành thống nhất thì phải điện tử hóa hoàn toàn khâu đo đếm điện.

“Chậm nhất năm 2024, ngành điện phải thay thế hết công tơ sang điện tử”, ông nói.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-gi-de-minh-bach-hoa-don-dien-post1098868.html