Làm gì để 'tăng lộc' sau khi mua vàng ngày Vía Thần Tài?

Ngày Vía Thần Tài hôm qua (31/1), chứng kiến sự sôi động của giá vàng. Nhiều người dân đã xếp hàng để mua vàng từ 3h sáng nhưng nhiều người vẫn chưa biết mua vàng xong nhớ làm 1 việc để 'kích lộc, hút tiền tài', cả năm mua may bán đắt.

Mua vàng cầu may lỗ ngay 1 triệu/lượng

Chốt phiên ngày 31/1 cũng là ngày vía Thần Tài, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,7 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,72 triệu đồng/lượng (bán ra).

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, phiên buổi sáng, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,8 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,82 triệu đồng/lượng (bán ra).

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, nếu xếp hàng mua vàng từ sáng sớm để cầu may, người mua lỗ 100 nghìn đồng/lượng tại SJC và 200 nghìn đồng/lượng tại Doji. Chênh lệch giữa mua vào và bán ra khoảng 1 triệu đồng/lượng. Vừa mua xong, nếu bán luôn, người mua thiệt 1 triệu đồng/lượng.

Thống kê cho thấy giá vàng thường diễn biến theo một kịch bản khá tương đồng trong những dịp vía Thần Tài (trước, trong và sau) từ 2013-2022.

Đầu tiên là giá vàng có xu hướng nhích lên từ nửa tháng trước ngày vía Thần Tài (tức trước Tết) và lập đỉnh ngắn hạn ngay khi thị trường giao dịch trở lại sau Tết. Trong 10 năm qua, có 8 lần kịch bản này được lặp lại.

Đến mùng 10, giá vàng thường chuyển sang một trạng thái mới, tăng vọt vào buổi sáng rồi giảm mạnh vào buổi chiều. Năm nay, dù không tăng mạnh như nhiều năm, nhưng một số đơn vị kinh doanh cũng đã tăng giá bán vàng miếng SJC tới 400.000 đồng/lượng vào buổi sáng, nhưng cuối giờ chiều bắt đầu giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/lượng tùy theo hệ thống kinh doanh.

Hiện tượng này là do sức mua buổi sáng mùng 10 thường rất mạnh, bởi tâm lý "rước lộc cầu may". Từ nửa cuối ngày, lực bán sẽ chiếm ưu thế và giá quay đầu giảm do những người đầu tư chốt lời.

Và không chỉ sau một ngày mà nhiều ngày sau đó, giá vàng thường có xu hướng hạ nhiệt đáng kể. Ngoại trừ xu hướng tăng bền bỉ của năm 2022, do những biến động mạnh của kinh tế thế giới (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, lạm phát...), 6 trong 10 năm gần nhất, giá vàng đều đi xuống sau nửa tháng, với mức giảm phổ biến khoảng 300.000 đồng/lượng.

Dù vậy, theo thống kê mới đây AFA Capital, chuyên quản lý danh mục đầu tư, trong vòng 5 năm qua, cứ đến ngày Vía Thần Tài mua vàng, hầu hết mọi người đều có lãi lớn do giá vàng tăng liên tục qua từng năm.

Nếu như lấy mốc mua vàng vào ngày Vía Thần Tài năm 2018- thời điểm này vàng có giá là 37,04 triệu đồng/lượng, nếu nắm giữ tới thời điểm hiện tại, người mua vàng đã có lời tới 30 triệu đồng/lượng, tương ứng khoảng 6 triệu đồng/năm/lượng vàng.

Nếu mua vàng từ ngày Vía Thần Tài năm 2022 đến nay, nhà đầu tư có lãi khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.

Trong năm 2023, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, vàng vẫn là tài sản chiến lược quan trọng và vẫn là kênh đầu tư tốt. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế nhận định, giá vàng sẽ sớm vượt mốc 2.000 USD/ounce năm 2023.

Mua vàng xong nhớ làm 1 việc để "kích lộc, hút tiền tài", cả năm mua may bán đắt

Vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng Vía Thần tài.

Vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng Vía Thần tài.

Theo quan niệm dân gian, Thần Tài và vị thần trên trời, chuyên quản Tài - Phúc - Phú - Quý, mang lại tài lộc, sung túc, may mắn cho con người.

Trước đây, chỉ có người kinh doanh buôn bán mới hay mua vàng vào ngày vía Thần Tài với mục đích cầu năm mới nhiều tài ộc. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều người dù không kinh doanh cũng mua vàng để lấy may.

Chia sẻ trên VietNamNet, nhà dân tộc học Tạ Đức nhận định, thờ Thần Tài là một tín ngưỡng thờ cúng thần của dân tộc Việt từ xa xưa, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu này nhận định, xét ở góc độ tín ngưỡng thì ngày xưa thờ Thần Tài chỉ cần cúng gà quay, heo quay, hoa quả... tức là những lễ vật đơn giản, gắn liền với cuộc sống thường ngày là được. Việc mua vàng không phải tục lệ hay điều bắt buộc.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia phong thủy, mua vàng trong ngày vía Thần Tài là biểu tượng may mắn nên tùy theo nhu cầu tài chính và khả năng của từng người mà lựa chọn số lượng vàng phù hợp, không cần cầu kỳ, câu nệ.

Để cầu may mắn trong năm mới, người dân có thể lựa chọn mua vàng theo cách sau: Mua 5 chỉ để cầu tài; mua 1 chỉ để cầu Lộc; mua 2 chỉ để cầu Phát.

Ngoài ra, người dân hoàn toàn có thể mua nhẫn kim tiền nửa chỉ để lấy may. Thậm chí có thể mua các món đồ có giá trị, đại diện cho việc cầu may, cầu tài lộc khác thay cho mua vàng trong ngày vía Thần Tài.

Theo các chuyên gia phong thủy, sau khi mua vàng xong, gia chủ nên đặt vàng lên bàn thờ và cúng Thần Tài để kích lộc. Cúng xong mang theo vàng đó bên mình với hy vọng gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.

Trước khi cúng, cần lau dọn bàn thờ sạch sẽ, cẩn thẩn. Có thể dùng rượu để tẩy xú uế.

Khi làm lễ cần phải ăn mặc nghiêm trang, sạch sẽ; mở tất cả các cửa (đặc biệt là cửa sổ hướng Tây - cửa hướng Tài lộc để đón nhận nguồn năng lượng tích cực và tài lộc vào nhà.

Cận Rằm tháng Giêng, hàng vạn khách hành hương Yên Tử cầu may

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/lam-gi-de-tang-loc-sau-khi-mua-vang-ngay-via-than-tai-172230201085424185.htm