Làm gì để thương mại điện tử 'cất cánh'

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định là một phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam và nhu cầu về nhân lực cho ngành này đang ngày càng lớn.

Thiếu cả chất và lượng

Nhận định về nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, ngành thương mại điện tử đang rất "khát" nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe.

Nhân lực thương mại điện tử trở thành yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế vùng. Ảnh: Lưu Hiệp

Nhân lực thương mại điện tử trở thành yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế vùng. Ảnh: Lưu Hiệp

"Nhu cầu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa" - ông Hưng dự báo.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Lazada cho biết, không chỉ các sàn thương mại điện tử có nhu cầu mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên thương mại điện tử cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thương mại điện tử liên tục tăng nhanh.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chỉ có 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử được đào tạo chính quy về thương mại điện tử; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan. Điều này cho thấy, nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về thương mại điện tử là rất lớn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, số lượng trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500 trường; trong đó, 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, trên 50 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Từ góc độ địa phương, bà Vũ Thanh Loan, đại diện Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, Lào Cai có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu nhưng đầu ra cho các sản phẩm địa phương vẫn chủ yếu thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, các nhà phân phối nhỏ lẻ, một số đã bắt đầu bán qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, song không nhiều.

Đa số các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu quy trình, quy định để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Do đó, việc đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu ra cho sản phẩm địa phương, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và hướng tới phát triển kinh doanh bền vững.

Nhiều kế hoạch phát triển nhân lực

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội thì vấn đề liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển thương mại điện tử rất quan trọng. Hiện nay, nguồn nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số... Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam.

Để phát triển thương mại điện tử bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử năm 2024 trên địa bàn; trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử là một trong những nội dung quan trọng, được địa phương ưu tiên hàng đầu.

Đầu tháng 4.2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024. Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp nội dung thông tin trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; phối hợp Sở Công Thương tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp nội dung thông tin trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn.

Còn theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, những năm qua, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số phát triển, Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) đã hỗ trợ, kết nối hàng nghìn doanh nghiệp tham gia và chinh phục thị trường thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới.

Số liệu thống kê từ Amazon Global Selling cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 17 triệu sản phẩm Việt Nam được bán trên các gian hàng Amazon, góp phần đưa hàng Việt "cất cánh" toàn cầu.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, nếu doanh nghiệp đủ năng lực và có nhu cầu mở rộng thị trường, Cục sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội để chinh phục và thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình giáo dục và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số để phát triển đội ngũ nhân lực, lãnh đạo cho ngành này. Đây cũng là 1 trong 4 nội dung quan trọng sẽ được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Amazon triển khai trong kế hoạch hợp tác giai đoạn 2 của hai bên. Dự kiến sẽ có hàng trăm doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được tham gia các khóa đào tạo.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/lam-gi-de-thuong-mai-dien-tu-cat-canh-i376534/