Làm gì khi lỗ vì mua vàng ngày Thần tài?
Nhiều người mua vàng để cầu tài lộc, nhưng chưa thấy tiền vào mà chỉ thấy báo lỗ sau 2 tuần mua.
Nhiều người tiếc ngẩn ngơ trước biến động giá vàng sau ngày Thần tài. Biết vậy nhưng năm nào cũng sẽ mua.
Lỗ vì mua vàng ngày Thần tài
Với nhiều người mua lượng vàng nhỏ, chỉ 1-2 lượng để lấy may ngày vía Thần tài, thì họ không quan tâm quá nhiều về giá. Như Vũ Minh (1993, làm văn phòng) cho biết: "Mình cũng có mua vàng, nhưng chỉ mua 1 ít để lấy lộc may mắn cho 1 năm, không đáng là bao cả. Nhưng nếu như làm kinh doanh hoặc có ý định đầu tư vào vàng, chắc chắn mình sẽ không dại gì mà mua vào ngày này. Ai cũng sẽ biết ngày đó, giá vàng thường lên cao mà."
Hay như Phước Lê (1996, Hà Nội) chia sẻ: "Rõ ràng là nhiều người mua với tâm lý lấy may thôi. Nên nếu có giảm 100, 200k/chỉ thì cũng chẳng xá gì. Đấy là người mua ít họ nói vậy, chứ ngày đó vợ mình mua 2 cây vàng. Tính đến thời điểm này cũng lỗ 4-5 triệu đồng. Người phát lộc ngay hôm đó, ngoài chủ tiệm vàng ra thì không còn ai nữa. Nhưng gia đình mình chỉ tính giá trên thời điểm hiện tại, chứ không có ý định bán luôn. Phần vì mua vía lấy may, phần cũng đem chút tiền quy đổi thành vàng để làm tích lũy. Nói chung, biết là lỗ nhưng vẫn cứ mua vì bao năm nay vẫn vậy."
Đối với Hoàng Lộc (1990, Hà Nội), một chủ tiệm vàng nhỏ nằm ở khu vực Cầu Giấy cho hay, ngày Thần tài là một trong những ngày trông chờ nhất của các chủ tiệm vàng. Kinh doanh càng lớn thì càng phát lộc, việc buôn bán cũng trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết: "Những ngày kiểu như thế đối với người mua vàng thì chủ yếu lấy làm vui. Còn với những người kinh doanh vàng, thì là ngày phát tài, phát lộc thực sự. Doanh thu 1 ngày có khi bằng cả năm cộng lại. Người nhiều tiền thì mua nhiều, người ít tiền thì mua ít, và hầu như khách hàng không quan tâm lắm đến việc giá vàng giảm ngay sau đó. Giả sử có lỗ, thì bản chất cũng là bỏ chi phí ra mua lại niềm tin. Còn dân làm ăn thì ai mà không biết chuyện đây là ngày giá vàng cao nhất năm."
Sử dụng vàng như một khoản tích góp dài hạn
Dù mua vàng để cầu vía lấy may, hay mua để tích trữ trong dài hạn, thì xu hướng của nhiều người vẫn là giữ vàng đến khi giá lên lại rồi mới bán. Chứ không mấy ai dại gì đem bán vàng sau ngày Thần tài không lâu. Vì theo Hoàng Lộc (Hà Nội) cho biết, với kinh nghiệm của anh, để bán vàng với giá cao hơn ít nhất cũng phải đợi đến chu kỳ năm sau, hoặc vào dịp đặc biệt nào đó mà giá vàng có biến động mạnh.
"Dù biết giá vàng vào những ngày này gần như cao nhất năm, nhưng nhiều người có tiền vẫn mua đến vài trăm triệu đồng, với mục đích tích lũy dài hạn. Người có nhiều tiền, họ mua với tâm thế càng nhiều vàng thì càng làm ăn suôn sẻ hơn. Có rất ít khách hàng mình từng tiếp xúc đem bán vàng sau ngày Thần tài. Chỉ hi hữu những trường hợp họ cần đến tiền gấp, mà vàng lại dễ thanh khoản nên chấp nhận chịu lỗ 1 chút."
Phước Lê (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Có nhiều trường hợp không thể dùng kiến thức kinh tế học để giải quyết, ví dụ như niềm tin về tinh thần. Người Việt Nam rất quan trọng những ngày này, như vợ mình chẳng hạn. Mua vàng có thể lỗ vài triệu nhưng đổi lại niềm tin tài chính sáng lạn hơn trong cả năm. Tinh thần thoải mái thì có thể làm ăn khấm khá lên. Điển hình như gia đình nhà mình, đôi khi thứ mình bỏ ra mua là hi vọng, là cái để mình vững dạ hơn trong làm ăn.
Dù vậy, cũng không thể bỏ qua hoàn toàn hiệu quả về kinh tế. Năm nào gia đình mình cũng mua, ít thì 1 cây, nhiều thì vài ba cây vàng, và coi đó như khoản tích góp cố định. Vàng có thể tăng giảm tùy giai đoạn trong năm, nhưng luôn có chu kỳ tăng cố định. Chỉ cần chờ đợi được đến lúc tăng cao, đem bán rồi lại gửi tiết kiệm ngân hàng. Cũng coi như đem tiền đi trú ẩn trước những thời kỳ lạm phát tăng cao."