Làm giàu từ đồng đất quê hương

Cả đời gắn bó với cây lúa, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển kinh tế, làm giàu từ chính đồng đất quê hương mình

Gần 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, xóm Đại Thắng, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Tranh thủ vừa dặm lúa vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Hồng kể: “Tôi theo chồng về Nam Định từ năm 1984. Vốn con nhà nông, tôi quen với việc cày bừa, cấy hái từ rất sớm. Cả đời gắn bó với cây lúa, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển kinh tế, làm giàu từ chính đồng đất quê hương mình”. Và để “biến” suy nghĩ, trăn trở thành hiện thực, người phụ nữ lam lũ, tảo tần ấy đã mạnh dạn mở trang trại VAC, trở thành triệu phú nhà nông.

Bà Nguyễn Thị Hồng, xóm Đại Thắng, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hồng, xóm Đại Thắng, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Bà Hồng và chồng quen biết nhau trong thời gian ông đóng quân ở Thái Nguyên. Để duy trì cuộc sống, nuôi các con ăn học, ông bà “xoay” đủ nghề. Ngoài làm ruộng, những lúc nông nhàn bà Hồng còn xin vào các công ty, xí nghiệp gần nhà làm hợp đồng thời vụ. Cuối năm 2013, ông bà dồn hết vốn liếng, vay thêm 400 triệu đồng mua gần 1ha đất để mở trang trại VAC. Trong đó, một nửa diện tích bà Hồng dùng đào ao thả cá, một nửa cấy lúa. Khi đã 45 tuổi, bà Hồng còn làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út, thời gian 5 năm. “Tôi không ở nhà, trang trại chỉ có mỗi ông nhà tôi đảm đương, vì thế không thu được nhiều lợi nhuận”, bà Hồng cho biết. Năm 2018, bà Hồng về nước, ông bà bàn nhau cải tạo lại ruộng vườn chính thức bắt tay vào xây dựng mô hình VAC quy mô lớn của gia đình. Theo đó, ông bà xin thêm ruộng của những hộ gia đình bỏ hoang trong thôn để cấy lúa, mở rộng diện tích lên trên 3,7ha. Ngoài ra, bà cũng cải tạo lại ao nuôi, chia thành các ao riêng biệt nuôi cá thịt và cá giống. Trên bờ, bà trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi da xanh, chuối… “Tuy nhiên, tôi nhận thấy nếu trồng lúa và nuôi cá, thời gian cho thu hoạch lâu, vốn, lãi sẽ thu về chậm hơn. Do đó, tôi chuyển hướng sang nuôi gà thịt, vịt để tăng hiệu quả kinh tế”, bà Hồng chia sẻ thêm về quyết định chuyển hướng chăn nuôi. Nghĩ là làm, từ cuối năm 2018 bà bắt đầu nuôi số lượng lớn các loại gà và vịt đẻ trứng. Theo đó, bà đầu tư xây 2 dãy chuồng trại với diện tích trên 500m2, một dãy nuôi gà thịt, một dãy dùng để úm gà. Trước khi nuôi, bà đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ một vài trang trại khác trong và ngoài huyện để nâng cao kiến thức. Bà Hồng còn chịu khó đọc sách báo, xem ti vi tìm hiểu thêm cách nuôi, phòng dịch bệnh cho gia cầm. Ngoài ra, bà còn tìm hiểu nhu cầu thị trường để nuôi các loại gà phù hợp. Có năm bà nuôi gà ta, năm nuôi gà Đông Tảo hoặc gà lai chọi. Tận dụng nguồn cỏ dồi dào trong trang trại, bà còn nuôi thêm 6 con trâu. Không phụ công người chịu khó, năng động, mỗi năm trừ chi phí, trang trại VAC của bà cho thu lãi trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải việc nuôi trồng của gia đình bà Hồng lúc nào cũng thuận lợi. 2 năm trước là thời điểm khó khăn đối với gia đình bà, đặc biệt là năm 2020. “Năm 2020, đàn vịt của tôi bị nhiễm bệnh. Sau khoảng 10 ngày đã có đến hơn 1/3 rồi nửa số vịt nuôi bị chết. Không chỉ có vịt, đàn gà trong chuồng cũng bị khô chân và nhiễm bệnh. Vợ chồng tôi lo lắng, mời các bác sĩ thú y đến trại, thực hiện nghiêm ngặt công tác vệ sinh phòng dịch. Tuy vậy, số lượng gà, vịt chết vẫn già quá nửa”, bà Hồng kể. Không chỉ con nuôi trong chuồng bị dịch bệnh, 2 năm trở lại đây do thời tiết bất thường kéo dài, ruộng lúa của bà Hồng cũng hay bị sâu bệnh, ngập úng. Để khắc phục, đối với lúa, bà Hồng tìm cách điều tiết nước cho phù hợp, tăng cường bón các loại phân và phòng trừ sâu bệnh. Đối với gà vịt, bà đặc biệt chú ý công tác phòng bệnh cho gia cầm. Hàng ngày, ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bà còn định kỳ cho gà, vịt uống các loại thuốc cúm, thuốc đi ngoài… bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Vào mùa đông, bà còn chú ý giữ ấm chuồng trại, tránh cho gà vịt bị lạnh. Thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, khoa học các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng đến năm 2022 trang trại đã cho thu hoạch khả quan hơn. Vụ lúa xuân năm 2022, bà Hồng thu về 40 tấn lúa. Với giá bán 500-600 nghìn đồng/tạ lúa tươi, sau khi trừ chi phí bà Hồng thu về 50 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Hồng cũng đã xuất bán 2 lứa gà và vịt, thu gần 60 triệu đồng. Các nguồn thu khác từ cá và cây ăn quả cũng cho về gần 20 triệu đồng. “Nếu từ nay đến cuối năm thời tiết thuận hòa, không bị dịch bệnh, tôi ước tính năm nay sẽ cho thu nhập tăng hơn năm ngoái khoảng 30 triệu đồng”, bà Hồng vui vẻ nói. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, bà Hồng mong muốn sẽ đưa được nhiều cây, con mới về nuôi trồng.

Trong đó, bà sẽ quy hoạch lại các khu chuồng trại, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Ông bà phấn đấu mỗi năm trang trại sẽ thu lãi từ 250-300 triệu đồng/năm. Không chỉ là gương phụ nữ làm kinh tế giỏi ở xã, bà Hồng còn là cán bộ phụ nữ năng nổ, tiêu biểu. Mặc dù mới tham gia sinh hoạt lại nhưng từ năm ngoái bà đã được chị em trong chi hội tín nhiệm bầu vào BCH chi hội. Sinh hoạt trong Hội, bà luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng BCH chi hội tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các chị em. Trang trại của bà Hồng, vì thế còn là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người đến học hỏi, tham quan mô hình. Đã từng có những thời điểm khởi nghiệp khó khăn, bà Hồng hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều phụ nữ nông thôn đang gặp phải khi muốn phát triển kinh tế, làm giàu. Bà mong muốn, Nhà nước, các tổ chức xã hội tạo điều kiện, cơ chế cho chị em phụ nữ để họ mạnh dạn lập nghiệp, có điều kiện gắn bó lâu dài với quê hương. Điều mà phụ nữ cần nhất khi khởi nghiệp, theo bà là được hỗ trợ nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của phụ nữ và đặc biệt là trợ giá cho các sản phẩm nông sản để người nông dân nói chung yên tâm sản xuất.

Trong khi nhiều phụ nữ nông thôn vẫn còn lúng túng chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp thì mô hình kinh tế VAC thành công của bà Nguyễn Thị Hồng đã góp phần cổ vũ, động viên nhiều chị em học tập, khởi nghiệp, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202208/lam-giau-tu-dong-dat-que-huong-2552300/