Làm giàu từ mô hình chăn nuôi
Trước đây, chị Phạm Thị Vân ở xóm An Cường, xã Trực Cường (Trực Ninh) từng có nhiều năm làm công nhân may ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trở về quê hương lập nghiệp, ban đầu, chị tiếp tục làm nghề may quần áo thời trang, sau chuyển sang chăn nuôi thử nghiệm nhiều loại khác nhau từ lợn đến ngan, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh do dịch bệnh, giá cả không ổn định. Từ năm 2018, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm anh em, bạn bè, nhận thấy mô hình nuôi gà ác chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị đã tận dụng các diện tích sân, vườn, xây dựng chuồng trại nuôi gà ác.
Thời gian đầu, do chưa nắm rõ quy trình, kỹ thuật chăm sóc, chị gặp không ít khó khăn. Giống gà ác thuần chủng không chịu được thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, đặc biệt vào mùa đông, nếu chuồng trại ẩm ướt, gió lùa và không đủ ấm, gà rất dễ mắc bệnh. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đồng thời thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đàn gà đã phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp dần. Trung bình 15 ngày, chị nuôi 1 lứa gối nhau, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo không gian thoáng đãng, sạch sẽ cho gà phát triển, gia đình chị thường xuyên xử lý nền chuồng bằng chế phẩm sinh học. Chị Vân cho biết: Nuôi gà ác không đòi hỏi cao về kỹ thuật, dễ chăm sóc, thời gian nuôi ngắn nên hạn chế được rủi ro; thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên như ngô, bột cá, bã đậu. Chế độ ăn cũng phải điều chỉnh phù hợp, đúng liều lượng theo chu kỳ phát triển của gà và máng đ?ng th?c ?n, n??c u?ng ph?i ??m b?o lu?n s?ch s?.ựng thức ăn, nước uống phải đảm bảo luôn sạch sẽ. Giống gà ác gia đình chị chọn nuôi là gà thuần chủng, khác biệt hẳn với gà ác lai ở chất lượng thịt thơm ngon, mềm ngọt, không tanh và rất bổ dưỡng nên được khách quen thường xuyên tìm đến. Thông thường, nhu cầu của người tiêu dùng thường chọn gà tầm 60-70 ngày tuổi, khi gà đạt trọng lượng 3,5-5 lạng/con. Tuy nhiên, từ tầm tháng 9, tháng 10, khách có xu hướng đặt mua gà biếu nên gia đình chị kéo dài thời gian nuôi để gà trống đạt trọng lượng 1,2kg, gà mái khoảng 8-9 lạng. Ngoài bán gà sống, gia đình chị còn nhận làm thịt sẵn, cấp đông, gửi cho khách hàng ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Trung bình mỗi năm, chị bán hơn 1 vạn con gà ác. Ưu điểm vượt trội của gà ác so với các vật nuôi khác là giá bán ổn định, không lo về thị trường tiêu thụ; nhu cầu của khách hàng những năm gần đây cũng tăng mạnh do thịt gà ác có chất carnosine giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của nhiều loại bệnh. Cùng với nuôi gà ác, gia đình chị hiện đang nuôi 300 đôi bồ câu sinh sản, mỗi tháng xuất bán hàng trăm con chim ra ràng. Đối với chim bồ câu có đặc tính là loài ưa sáng, chỉ phát triển tốt trong môi trường sạch sẽ, khô ráo, chị đã thiết kế các dãy chuồng đảm bảo luôn thông thoáng; bên cạnh đó chị tích cực học hỏi, nắm vững các kỹ thuật nuôi chim sinh sản để tăng năng suất, nhanh chóng nhân đàn. Ngoài ra, vợ chồng chị đang nghiên cứu nuôi thử nghiệm mấy chục con gà H’Mông là giống gà quý hiếm, có đặc điểm thịt đen, xương đen, nội tạng đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay, được thị trường đặc biệt ưa chuộng. Nhờ sự cần cù, chịu khó, thường xuyên tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hàng năm, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, tiếp tục tái đầu tư để phát triển sản xuất.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, thời gian tới, gia đình chị Vân đang có kế hoạch chuyển ra chăn nuôi tập trung ở khu ruộng sau nhà rộng gần 4.000m2 nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, chị cũng ấp ủ dự định chuyển hướng sang nuôi gà ác theo phương pháp hữu cơ để giảm dịch bệnh, tăng chất lượng thịt và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202007/lam-giau-tu-mo-hinh-chan-nuoi-2538635/