Làm giàu từ mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời

Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời được đánh giá là một giải pháp tiềm năng và đã được triển khai rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là một trong những chủ trương quan trọng góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Quá trình phát triển điện mặt trời sẽ cần sử dụng một diện tích đất rất lớn. Trong đó, phần lớn được thu hồi từ đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương và tăng chi phí, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư. Nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long, những nhà khởi nghiệp đang viết nên những câu chuyện đáng kinh ngạc.

Dưới những "tán" pin mặt trời là những phương thức kết hợp cùng trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản… đến những mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các nhà khởi nghiệp vùng này gọi là “trên xanh, dưới sạch”, trở thành những giải pháp đột phá cho một tương lai, với khát vọng chuyển đổi xanh bền vững.

Khởi nghiệp

Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi tìm về trang trại nấm mối đen và nấm dược liệu Nương Farm của bà Châu Thị Nương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (xã Tà Đảnh, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nơi đây đang là điểm sáng về mô hình nông nghiệp kết hợp năng lượng mặt trời. Thay vì phải đối mặt với chi phí điện năng tăng cao trong quá trình nuôi trồng nấm, chị Nương đã mạnh dạn đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà trồng nấm.

Kể về hành trình khởi nghiệp của mình vớiDoanh nghiệp Việt Nam, bà Nương cho biết, trong thời gian đại dịch COVID-19, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch và các sản phẩm có tính dược liệu cao trong cộng đồng ngày càng nhiều. Trong khi đó, nấm không chỉ là thực phẩm mà còn là dược liệu quý, giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Bà Châu Thị Nương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh, kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình.

“Năm 2019, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng việc kết hợp trồng nấm với hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra một mô hình nông nghiệp mới và hiệu quả. Tôi quyết định từ quê nhà ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn lên phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên mua đất, lập trang trại Nương Farm trên diện tích 3 hecta và đầu tư gần 45 tỷ đồng để xây dựng hệ thống điện mặt trời 5MW”, bà Nương chia sẻ.

Theo bà Nương, từ khâu sản xuất meo, chị đầu tư hệ thống máy móc hiện đại: lò hấp chuyên dụng, phòng máy lạnh kiểm soát nhiệt độ, hệ thống phòng lạnh cho việc cấy phôi nấm. Mỗi công đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ, từ việc duy trì độ ẩm, nhiệt độ phù hợp cho tơ nấm phát triển, đến quá trình chăm sóc kỹ lưỡng, sử dụng nước sạch, không hóa chất.

Thời điểm này, mô hình của bà Nương coi như thành công khi pin mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt trong khu vực trồng nấm rất nhiều, giúp năng suất tăng lên 30-40%, và giảm chi phí điện năng đáng kể. Mỗi tháng, cơ sở của bà xuất bán 2-3 tấn nấm các loại đến thị trường An Giang và TP Hồ Chí Minh. Với giá nấm linh chi dao động từ 1,5-2 triệu đồng/kg, nấm mối từ 200-250 nghìn đồng/kg, bà thu về hơn 800 triệu đồng.

“Ngoài nguồn thu từ nấm, hàng tháng mỗi MW công suất lắp đặt đem về cho trang trại tôi khoảng 300 triệu đồng tiền bán điện cho Công ty Điện lực An Giang (nhờ chính sách mua điện theo quyết định 13/2020 của Chính phủ với giá mua tương đương 1.900 đồng/kWh). Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập từ 250-300 nghìn đồng mỗi ngày”, bà Nương tiết lộ.

Doanh nhân Châu Thị Nương giới thiệu cho phóng viên các sản phẩm nấm được sản xuất theo mô hình "trên xanh, dưới sạch".

Doanh nhân Châu Thị Nương giới thiệu cho phóng viên các sản phẩm nấm được sản xuất theo mô hình "trên xanh, dưới sạch".

Cùng với Nương Farm, câu chuyện khởi nghiệp của bà Võ Thị Hồng Thoại - chủ hãng nước mắm Thiên Phú (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) có cùng một điểm chung là sử dụng năng lượng mặt trời. Với 48 hồ ủ, mỗi hồ chứa 50 tấn cá cơm, tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng, bà bắt đầu hành trình chế biến nước mắm truyền thống.

Rồi từ những khó khăn ban đầu như: nguồn điện từ lưới điện quốc gia không ổn định, khi gặp sự cố sẽ ảnh hưởng quy trình sản xuất, mà chi phí điện lại quá lớn kéo giá thành sản phẩm tăng cao nên khó cạnh tranh, đã thúc đẩy bà Thoại tìm kiếm giải pháp thay thế. Năm 2020, bà quyết định hợp tác cùng một doanh nghiệp đang đầu tư điện mặt trời với công suất 7MW, lắp đặt trên diện tích 3.600m2 tại Bạc Liêu.

Từ khi sử dụng nguồn điện này, chi phí điện của cơ sở giảm 50%, đồng thời nguồn điện luôn ổn định, không còn tình trạng cúp điện đột ngột. Hãng nước mắm Thiên Phú cũng tạo việc làm cho khoảng 45 lao động, với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện khởi nghiệp của bà Nương, bà Thoại không chỉ là thành công cá nhân mà còn minh chứng cho hiệu quả khi kết hợp giữa năng lượng sạch và sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả

Nhận định về mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời, PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng điện mặt trời thông qua việc lắp đặt các tấm pin để phục vụ tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu, phơi sấy và chế biến nông sản.

“Việc đầu tư năng lượng mặt trời trong sản xuất đem lại các lợi ích cho nông dân là giúp giảm chi phí năng lượng, tự động hóa một số khâu, giúp tăng giá trị nông sản, có được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường nhờ giảm phụ thuộc vào các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như điện than, điện chạy bằng dầu diesel”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo báo cáo nghiên cứu "Hiện trạng và tiềm năng phát triển điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam", do Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp (AMI) phối hợp cùng Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE) công bố hồi tháng 2 vừa qua, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, là một trong những chủ trương quan trọng của Việt Nam và đang được triển khai rộng rãi trong thời gian gần đây, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Pin mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt trong khu vực trồng trọt, chăn nuôi phía dưới rất nhiều.

Pin mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt trong khu vực trồng trọt, chăn nuôi phía dưới rất nhiều.

Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đã được phát triển tại Việt Nam (bao gồm cả các dự án điện mặt trời tập trung hoặc điện mặt trời áp mái) với các phương thức kết hợp bao gồm: điện mặt trời kết hợp cùng trồng trọt (trồng nấm, trồng đinh lăng,...); điện mặt trời kết hợp cùng chăn nuôi (nuôi gà, nuôi vịt, nuôi lợn...); điện mặt trời kết hợp cùng nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, mô hình kết hợp điện mặt trời nông nghiệp lắp đặt tại mái các trang trại chăn nuôi công nghiệp phổ biến khắp cả nước. Các tấm pin mặt trời trên mái giúp giảm nhiệt độ chuồng nuôi vào ban ngày (khoảng 1-3 độ C) và giữ được nhiệt độ ban đêm giúp vật nuôi sinh trưởng tốt hơn, lượng thức ăn tiêu thụ ít hơn 3-4%; lợi nhuận từ chăn nuôi cao hơn khoảng 2-5% so với các trang trại chăn nuôi công nghiệp không có tấm năng lượng mặt trời trên mái…

Từ những kết quả nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời, ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Viện trưởng AMI nhận định, mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển cho kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (NetZero).

Mở rộng góc nhìn về mô hình, nó như một cuộc cách mạng đang diễn ra trong nông nghiệp, đó chính là sự kết hợp giữa năng lượng sạch và sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học và chuyên gia đang đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình điện mặt trời trong nông nghiệp.

Thái Cường

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/lam-giau-tu-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-ket-hop-dien-mat-troi/20250414043109075