Làm giàu từ mô hình trồng bưởi đỏ

Bằng sự cần cù, chịu khó, ông Quách Công Nghiệp, sinh năm 1964 ở thôn An Thịnh, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) được nhiều người biết đến là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bưởi đỏ đem về thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, vườn bưởi của gia đình ông Quách Công Nghiệp, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, vườn bưởi của gia đình ông Quách Công Nghiệp, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Tham quan mô hình trồng bưởi đỏ của gia đình ông Quách Công Nghiệp vào thời điểm bưởi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, cây nào cũng sai trĩu quả, ông Nghiệp chia sẻ: "Trước đây khi chưa trồng bưởi tôi đã thử trồng qua nhiều loại cây cũng như chăn nuôi nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2015, tôi đến các nơi cung cấp giống như: Cao Phong, Xuân Mai (Hà Nội), Hưng Yên... thăm vườn và học hỏi mô hình trồng bưởi đỏ. Nhận thấy được tiềm năng phát triển cũng như giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên tôi quyết định mua cây giống về trồng”.

Bưởi sau khi trồng khoảng 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch, 1 năm thu hoạch 1 lần vào khoảng tháng 11 - 12, phù hợp phục vụ dịp Tết. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên vườn bưởi của ông Nghiệp không được sai quả, thường bị mất mùa. Không nản lòng, ông tìm tòi trên mạng, học hỏi qua các chủ hộ trồng nhiều năm, đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Nhờ vậy ông tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, giúp nâng cao tay nghề, từ đó tăng năng suất, chất lượng quả bưởi.

Sau gần 8 năm vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay vườn bưởi vẫn phát triển tốt, cho quả đều. Hiện tổng diện tích vườn đạt hơn 3 ha với hơn 3.000 gốc bưởi. Bình quân mỗi năm vườn bưởi cho thu hoạch từ 15 - 20 nghìn quả. Giá bán dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/quả. Riêng vườn bưởi đem lại cho gia đình ông Nghiệp nguồn thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về những khó khăn và kinh nghiệm trồng bưởi ông Nghiệp cho biết: "Mặc dù là giống bưởi đỏ ở nơi khác mang về nhưng hợp đất, khí hậu, cây cho quả sai, ăn ngon, chất lượng. Chăm sóc không tốn nhiều công, cuối năm thu hoạch xong chỉ cần cắt tỉa bỏ cành, bón phân để giữ chất đất. Việc tiêu thụ bưởi cũng thuận lợi do là giống bưởi ngon, ngọt, đáp ứng được yêu cầu của người mua hàng nên không lo lắng về đầu ra. Tuy nhiên, vài năm gần đây giá bán bưởi không được ổn định như trước, nguyên nhân do số người trồng bưởi đỏ ngày một nhiều, mặc dù chất lượng bưởi tốt nhưng vẫn khó cạnh tranh với "cái nôi” của bưởi đỏ là ở Tân Lạc”.

Hiệu quả từ mô hình trồng bưởi đã giúp gia đình ông Nghiệp có cuộc sống đủ đầy hơn trước, kinh tế được cải thiện đáng kể. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những năm qua, ông thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ và hướng dẫn các hộ dân trong xã có nhu cầu phát triển mô hình, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ông Nghiệp chia sẻ thời gian tới tiếp tục trồng xen ghép thêm cây cam, vì nhận thấy cây cam cũng phù hợp và phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao hơn bưởi. Mặc dù chăm sóc cây cam vất vả hơn cây bưởi nhưng dễ bán, lợi nhuận cũng cao và ổn định hơn.

Đồng chí Quách Công Tặng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn cho biết: "Ông Quách Công Nghiệp là một trong những hội viên tiêu biểu, điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực làm giàu và giảm nghèo bền vững với mô hình trồng bưởi đem lại thu nhập cao. Mô hình trồng bưởi đỏ của gia đình ông đã đóng góp vào phát triển kinh tế trang trại, tạo sinh kế, đồng thời giúp xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Hoàng Dương

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/183101/lam-giau-tu-mo-hinh-trong-buoi-do.htm